Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và căng thẳng xung đột Nga – Ukraina chưa "hạ nhiệt", nhưng xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là ngành gỗ.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Tiềm năng nhập khẩu của thị trường Mỹ cho thấy, xuất khẩu gỗ sang Mỹ tăng mạnh sẽ góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng tốt trong năm 2022.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là “át chủ bài” trong lĩnh vực nông nghiệp. Với vị trí thứ 2 về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại Châu Á và có tốc độ tăng trưởng nhanh ở mức 17%/năm, các chuyên gia kinh tế tin tưởng xuất khẩu gỗ tiếp tục thăng hoa trong năm 2022.
Tuy nhiên, ngành gỗ vấn đang gặp nhiều thách thức cần phải vượt qua.
Dù đứng vị trí thứ 2 về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại Châu Á nhưng chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam, TS Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích của Forest Trends cho rằng, ngành gỗ cũng gặp thách thức lớn về nguồn cung nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Giá gỗ nguyên liệu đang tăng mạnh đe doạ đến ngành xuất khẩu gỗ vốn rất khả quan hiện nay.
3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ ước đạt 3,94 tỷ USD. |
Hiện giá gỗ thông tròn New Zealand đã lên đến 175-180 USD/m3, tăng từ 32-35 US/m3; gỗ thông tròn Chile có giá 190 USD/m3, tăng 35 USD/m3.
Ông Võ Quang Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) cũng rằng, việc nhập khẩu gỗ trong thời gian tới sẽ rất khó khăn do Châu Âu giảm xuất khẩu, giữ lại một phần lượng gỗ nguyên liệu để bù đắp phần cung thiếu hụt từ Nga.
Trước thực trạng này, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Nguyễn Liêm nhấn mạnh ngành gỗ đang cần có thêm vùng nguyên liệu và các trung tâm sơ chế quy mô lớn. Để vượt qua "nút thắt" thiếu nguyên liệu, ngành lâm nghiệp đang đẩy mạnh trồng các vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn.