3 chương trình thành công
Kết quả của Chương trình điện là tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng điện bình quân trong cả nước hiện nay đạt 97,6%. Trong đó, các tỉnh miền núi, giáp biên tỷ lệ sử dụng điện đạt từ 70 - 90%. Chương trình điện còn đảm bảo việc cấp điện cho các trạm bơm quy mô vừa và nhỏ tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long; phục vụ các mô hình cánh đồng mẫu lớn - trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn - nuôi trồng thủy hải sản; góp phần tiêu mưa và tiêu lũ cuối vụ. Nhờ có điện, 2 Chương trình Khuyến công và Thương mại phát huy công suất, minh chứng chủ trương “điện đi trước”.
Việc phát triển công nghiệp nông thôn vừa qua đã giải quyết được tình trạng dư thừa lao động ở nông thôn. Đồng thời là dịp để đổi mới công nghệ hiện đại cho ngành sản xuất ở nông thôn vốn chỉ có công nghệ lạc hậu. Chương trình khuyến công đã hỗ trợ khôi phục, phát triển các nghề truyền thống, hướng dẫn phương pháp quản trị, đào tạo nhân lực, đầu tư đổi mới trang thiết bị, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Năm 2016, 100 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ở cấp quốc gia đã được công nhận và lễ tôn vinh những bàn tay vàng đã minh chứng về thành công của chương trình này.
Qua Chương trình hỗ trợ phát triển thương mại ở khu vực nông thôn – miền núi – hải đảo, thương mại của khu vực này ngày càng đa dạng, mạng lưới cửa hàng, đại lý, chợ truyền thống, chợ đường biên, chợ phiên… được nâng cấp. Chương trình đưa hàng Việt đến với đồng bào dân tộc được đẩy mạnh đã giúp bà con được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý.
3 nhóm kiến giải
Mục tiêu của Chương trình điện đến năm 2020 về cơ bản các hộ dân nông thôn trong cả nước được sử dụng điện. Do đặc thù địa hình miền núi, cơ sở hạ tầng kém, nên việc đưa điện về đây theo 2 hướng: Đầu tư phát triển lưới điện để cung cấp điện lưới quốc gia tại các xã, thôn, bản chưa có điện. Đầu tư nâng cấp các nguồn điện tại chỗ (nguồn năng lượng tái tạo, trạm nạp ắc-quy...) cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn không thể cấp điện từ lưới điện quốc gia hoặc cấp từ lưới điện quốc gia nhưng quá tốn kém.
Đối với Chương trình khuyến công, cần khảo sát, đánh giá nhu cầu phát triển ngành công nghiệp nông thôn để lập các dự án khuyến công mũi nhọn. Khai thác, phát huy lợi thế từng vùng của mỗi địa phương. Tiếp tục hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật trong các ngành nghề: chế biến lâm sản, lương thực, thực phẩm, cơ khí nhỏ... làm cầu nối tạo liên kết, lan toả tới các vùng. Đẩy mạnh đào tạo nghề, khích lệ nghệ nhân truyền bí kíp cho lớp kế tiếp.
3 chương trình lớn của ngành Công Thương đã góp phần giúp bà con xóa đói, giảm nghèo bền vững |
Đối với chương trình thứ ba, để đạt được mục tiêu tăng trưởng thương mại khu vực miền núi bình quân tăng 10 - 12%/năm, cần đẩy mạnh các biện pháp: Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng như các chợ, cơ sở dịch vụ. Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam” ưu tiên dùng hàng Việt Nam theo hai chiều. Đó là, cung ứng hàng tiêu dùng công nghệ, tư liệu sản xuất qua hệ thống phân phối, mạng lưới bán lẻ, lập đại lý bán hàng, xây dựng điểm bán hàng Việt tại các chợ. Đồng thời, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm do bà con dân tộc sản xuất, chế biến...
Cả 3 chương trình này đều đặt ra việc ưu tiên cho các huyện nghèo, xã nghèo (xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, miền núi, biên giới, chiến khu xưa) nhất là các thôn, bản trong các địa bàn đó. |