Vì sao xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hà Lan tăng mạnh trong tháng 1/2024? Ngành gỗ họp bàn tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu năm 2024 |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Nhật Bản trong tháng 2/2024 đạt 110 triệu USD, giảm 32,5% so với tháng 1/2024 và giảm 22,7% so với tháng 2/2023. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Nhật Bản ước đạt 273 triệu USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu gỗ sang thị trường Nhật Bản tăng nhẹ |
Trong tháng 1/2024, hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Nhật Bản đều có xu hướng tăng, trong đó dẫn đầu là mặt hàng dăm gỗ đạt 60,2 triệu USD, tăng 26,3% so với tháng 12/2023 và tăng 21,5% so với tháng 1/2023; tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đạt 43,7 triệu USD, tăng 21,3% so với tháng 12/2023 và tăng 58,5% so với tháng 1/2023; gỗ viên nén đạt 36,6 triệu USD, giảm 16,3% so với tháng 12/2023, nhưng tăng 4,2% so với tháng 1/2023...
Trong tháng đầu năm 2024, mặc dù kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Nhật Bản có tín hiệu cải thiện, nhưng tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường này trong năm 2024 dự báo vẫn kém khả quan, khi nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Nhật Bản chậm lại, bởi nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái trong quý IV/2023.
Trong quý IV/2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nhật Bản chứng kiến mức giảm hàng năm 0,4%, sau khi giảm 3,3% trong quý III/2023. Nguyên nhân chính khiến kinh tế Nhật suy giảm là nhu cầu trong nước suy yếu tại tất cả các lĩnh vực, bao gồm tiêu dùng tư nhân. Chỉ có nhu cầu bên ngoài, thể hiện qua trị giá xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ, có đóng góp mức tăng vào tăng trưởng GDP.
Tiêu dùng tư nhân, lĩnh vực chiếm khoảng một nửa nền kinh tế Nhật Bản, ghi nhận mức giảm hàng năm 0,9% trong quý IV/2024 do người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh giá thực phẩm, xăng dầu và nhiều mặt hàng khác tăng. Đây là quý thứ 3 liên tiếp tiêu dùng ở Nhật Bản giảm.
Nhu cầu tiêu dùng yếu, khiến nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là những sản phẩm hàng hóa không thiết yếu như gỗ và và sản phẩm gỗ chậm lại tại thị trường Nhật Bản.
Cụ thể, đối với mặt hàng dăm gỗ, viên gỗ nén, nhu cầu nhập khẩu tại Nhật Bản giảm nhẹ trong tháng 1/2024. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nhật Bản, nhập khẩu mã HS 4401 (bao gồm cả dăm gỗ và viên gỗ nén) trong tháng 1/2024, đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 41,1 tỷ Yên (tương đương 273,1 triệu USD), giảm 2,4% về lượng và giảm 4,2% về trị giá so với tháng 1/2023.
Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp lớn nhất mã HS 4401 cho Nhật Bản, đạt 525,2 nghìn tấn, trị giá 13,4 tỷ Yên (tương đương 89,2 triệu USD, giảm 23,6% về lượng và giảm 32,2% về trị giá so với tháng 01/2023; trong khi giảm mạnh nhập khẩu dăm gỗ và viên gỗ nén từ thị trường cung cấp số 1 là Việt Nam, Nhật Bản lại tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng này từ thị trường Mỹ, Australia, Thái Lan và Chile...
Đối với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nhật Bản, nhập khẩu mặt hàng này của Nhật Bản trong tháng 1/2024 đạt 60 nghìn tấn, trị giá 25,6 tỷ Yên (tương đương 169,8 triệu USD), giảm 6% về lượng và giảm 2,1% về trị giá so với tháng 01/2023. Trong đó, Nhật Bản tăng nhập khẩu từ thị trường cung cấp lớn nhất là Trung Quốc, nhưng giảm mạnh nhập khẩu từ các thị trường như: Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Indonesia...
Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 2 cho Nhật Bản trong tháng 1/2024, đạt 12,5 nghìn tấn, trị giá 5,2 tỷ Yên (tương đương 34,6 triệu USD), giảm 20,6% về lượng và giảm 13,5% về trị giá so với tháng 1/2023.
Bên cạnh những yếu tố kém khả quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Nhật Bản cũng được hỗ trợ như đối với mặt hàng dăm gỗ và gỗ viên nén, Nhật Bản đang tập trung vào việc phát triển nhiều nhà máy nhiệt điện sử dụng dăm gỗ và viên nén. Do đó, xu hướng tăng cường nhập khẩu này được dự kiến sẽ tiếp tục trong thời gian tới, mở ra cơ hội mới cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam.