Giải thưởng Tạ Quang Bửu: Nguồn động viên lớn cho các nhà khoa học Ba nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019 Ba nhà khoa học nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 |
Giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lần đầu tiên vào ngày 18/5/2014 nhằm khích lệ, tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy khoa học và công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển. Đến nay, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã trở thành một trong những giải thưởng khoa học uy tín tại Việt Nam, được cộng đồng khoa học đánh giá cao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tặng hoa và trao giải thưởng cho hai nhà khoa học đoạt giải Tạ Quang Bửu năm 2024 |
Qua 10 năm triển khai, Ban Tổ chức Giải thưởng đã nhận được hơn 400 hồ sơ tham dự. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao tặng Giải thưởng cho 18 nhà khoa học là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc và 04 nhà khoa học trẻ.
Các nhà khoa học đoạt Giải thưởng trong các năm qua là những tấm gương để các nhà khoa học Việt Nam - đặc biệt là các nhà khoa học trẻ tiếp tục nỗ lực thực hiện các nghiên cứu khoa học đỉnh cao, góp phần đưa khoa học và công nghệ hội nhập, phát triển.
Giải thưởng đã ghi nhận sự phân bố đa dạng của các nhà khoa học xuất sắc về độ tuổi, giới tính, vùng miền trên cả nước, thuộc đầy đủ các ngành trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Các công trình đều được các Hội đồng khoa học nghiên cứu cơ bản của Quỹ NAFOSTED đánh giá cao về chất lượng nghiên cứu, có ý nghĩa khoa học, tác động đến vấn đề, chuyên ngành nghiên cứu; các tạp chí đăng tải công trình đều được xếp thứ hạng cao (top 10%) trong Danh mục tạp chí của Web of Science và Scimago, mang tầm quốc tế.
Sau 10 năm tổ chức và triển khai, ngày 15/8/2023, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 18/2023/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Đây là kết quả của quá trình tiếp nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết từ các nhà khoa học, nhà quản lý trong các Hội đồng khoa học nghiên cứu cơ bản của Quỹ NAFOSTED, Hội đồng Giải thưởng và các tổ chức khoa học công nghệ, đáp ứng mong muốn của cộng đồng khoa học nói chung và cộng đồng khoa học nghiên cứu cơ bản nói riêng.
Một trong những điểm mới của Thông tư số 18/2023/TT-BKHCN là Giải thưởng Tạ Quang Bửu mở rộng việc xem xét, trao giải thưởng cho các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; Tiếp nhận hồ sơ theo hình thức đề cử thay vì ứng cử như trước; Xem xét, lựa chọn nhà khoa học để trao Giải thưởng thông qua việc đánh giá kết quả nghiên cứu cơ bản trong tối đa 3 bài báo khoa học quốc tế được công bố trong thời gian 7 năm.
Năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai tiếp nhận hồ sơ đăng ký Giải thưởng Tạ Quang Bửu từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024. Tổng số hồ sơ tiếp nhận là 97 hồ sơ, trong đó có 76 hồ sơ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, 21 hồ sơ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; 71 hồ sơ đề cử Giải thưởng chính và 26 hồ sơ đề cử Giải thưởng trẻ.
Thiếu tướng, GS.TS. Trần Xuân Nam - Chủ tịch Hội đồng xét tặng Giải thưởng cho biết, số lượng hồ sơ đề cử tại kỳ xét tặng Giải thưởng năm nay tăng gấp đôi so với mọi năm. Các hồ sơ được đề cử đều có chất lượng rất tốt, nên Hội đồng xét tặng Giải thưởng đã thảo luận rất kỹ để lựa chọn ra những công trình xuất sắc nhất, xứng đáng để trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024.
Năm nay, giải thưởng được trao cho PGS.TS Trần Mạnh Trí và TS Nguyễn Thị Kim Thanh. PGS.TS Trần Mạnh Trí đang công tác tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông được trao giải thưởng qua cụm 3 công trình được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học, sức khỏe và đột biến gen. Cụm công trình này góp phần giải quyết vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu hiện nay là ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp.
TS Nguyễn Thị Kim Thanh công tác tại Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam được trao giải thưởng qua 1 Công trình được công bố trên tạp chí Physical Review Letters, là tạp chí khoa học hàng đầu thế giới của ngành vật lý. Công trình thể hiện 3 kết quả đột phá về hướng nghiên cứu, có ý nghĩa quan trọng cho phát triển công nghệ máy tính lượng tử. GS Kiselev (đồng tác giả của công trình) nói ý tưởng của TS Nguyễn Thị Kim Thanh là một kiệt tác tao nhã về vật lý hiện đại.
Đại diện cho các nhà khoa học đạt giải, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh chia sẻ rất bất ngờ khi được trao giải thưởng danh giá Tạ Quang Bửu, minh chứng cho tình yêu vật lý dành cho chị.
Vị tiến sĩ nhắn nhủ các bạn trẻ hãy sống vì đam mê vì khi đó sẽ được đền đáp xứng đáng. "Tình yêu dành cho vật lý của tôi từng trải qua đầy thử thách, đã không ít lần tôi cảm thấy thất bại và muốn chuyển sang dạy học. Cho đến hiện tại, vẫn còn nhiều vấn đề mà tôi đã nghiên cứu trong một vài năm nhưng chưa hoàn thiện" - Tiến sĩ Kim Thanh nói.
Trong bài phát biểu, nhiều lần chị nghẹn lời khi nhắc về những ngày mới bước vào nghiên cứu. Chị nhớ lại khoảng thời gian nghiên cứu tại Pháp, từng nói với một người bạn nước ngoài nếu chị có bài đăng trên Physical Review Letters, chị sẽ bỏ nghiên cứu vật lý, vì ước mơ của chị khi đạt được rồi sẽ muốn sống mãi với ước mơ ngọt ngào đó.
"Giấc mơ năm nào đã thành hiện thực, tuy nhiên tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu vật lý.Tôi nhận ra có nhiều vấn đề để nghiên cứu và sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn trẻ nếu muốn dành tình yêu cho vật lý" - Tiến sĩ Kim Thanh cho hay.