VIETRF 2019 trưng bày hai lĩnh vực gồm công nghệ cửa hàng và nhượng quyền thương hiệu. Trong đó, công nghệ cửa hàng gồm các thiết bị công nghệ trong cửa hàng như máy tính tiền điện tử, quản lý tiền mặt, máy in mã vạch; thiết bị nội thất cửa hàng (kệ, tủ trưng bày, tủ bảo quản…); dịch vụ chuyên nghiệp; thương mại điện tử như nền tảng giải pháp thương mại điện tử, thanh toán thẻ/online, quản lý kho bãi… Đối với nhượng quyền thương hiệu có thực phẩm đồ uống, sức khỏe - sắc đẹp, thời trang, bán lẻ - bán sỉ, khởi nghiệp…
Công nghệ cửa hàng được giới thiệu tại triển lãm |
Theo đánh giá Hiệp hội Nhượng quyền quốc tế, Việt Nam hiện đứng thứ 8/12 thị trường nhượng quyền hàng đầu được xác định là có giá trị nhất cho việc mở rộng toàn cầu. Thực phẩm - đồ uống, giáo dục, y tế - dinh dưỡng, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang, làm đẹp - chăm sóc da, cửa hàng tiện lợi... đang là những lĩnh vực tiềm năng thu hút các doanh nghiệp nhượng quyền.
Đơn cử như trong lĩnh vực bán lẻ, theo đại diện của GS25 Việt Nam, Việt Nam hiện có dân số đông lên tới 97 triệu người và hầu hết dân số tương đối trẻ, thu nhập của nhóm trung lưu ngày càng tăng, kéo theo sự tăng trưởng nhanh cho ngành bán lẻ. Đáng chú ý, kênh bán lẻ truyền thống đang dịch chuyển mạnh mẽ sang bán lẻ hiện đại với hàng ngàn cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại trên khắp cả nước.
Liên quan đến kế hoạch nhượng quyền tại thị trường Việt Nam, đại diện GS25 cho biết, nhà bán lẻ này đã bắt đầu thực hiện nhượng quyền cửa hàng tiện lợi (CVS) tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và dự kiến trong quý 1/2020 sẽ nhượng quyền 3 cửa hàng tại khu vực Hà Nội.
Về chi phí nhượng quyền, theo tiết lộ của GS25 Việt Nam, ước tính 1 cửa hàng của GS25 có tổng chi phí đầu tư là 1,6 - 1,8 tỷ đồng và chi phí nhượng quyện là 200 triệu đồng/năm. GS25 còn cam kết lợi nhuận 25% cho nhà đầu tư, đồng thời chuyển giao công nghệ quản lý, cung cách phục vụ… cho đối tác nhận nhượng quyền.
Thực phẩm, đồ uống là lĩnh vực được quan tâm nhượng quyền |
Giới kinh doanh cho rằng, chính sự đổ bộ mạnh mẽ của các thương hiệu nhượng quyền ngoại đã buộc các doanh nghiệp nội, cửa hàng nhỏ lẻ Việt Nam đang phải cố gắng cải tiến, học hỏi và từng bước chuẩn hóa nếu không muốn mất khách hàng. Bởi các chuỗi nhượng quyền hiện đang nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, tạo nên xu hướng tiêu dùng mới và giá cả được chuẩn hóa, luôn tạo sự an tâm cho người mua.
Đây cũng là điều dễ hiểu khi tại VIETRF 2019 có khá nhiều thương hiệu nội như cà phê Phúc Sinh, cà phê Tâm Giao... đã tham gia, giới thiệu mô hình của mình để thực hiện nhượng quyền, cạnh tranh với các thương hiệu ngoại.