Chiều ngày 20/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội nghị thống nhất và thông báo các nội dung triển khai sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tổ chức đấu giá, quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt.
Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội - phát biểu tại hội nghị |
Theo đó, sẽ có 150 gian hàng sản phẩm OCOP với hàng nghìn sản phẩm OCOP của các tỉnh vùng miền Trung và Tây Nguyên và một số tỉnh bạn trong cả nước sẽ được trưng bày tại tuyến đường Vũ Tuấn Chiêu. Bên cạnh đó, sẽ có các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc trưng của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên như: Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dệt vải thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ đồ gỗ, ngọc và đá quý, vỏ sò hóa thạch… được trưng bày và lưu diễn trong thời gian diễn ra sự kiện.
Khu trình diễn văn hóa ẩm thực mang đậm bản sắc vùng miền như: Thưởng trà, cà phê Tây Nguyên và các vùng miền trong cả nước. Bên cạnh đó, có sản phẩm tôm hùm, thủy hải sản của quân và dân thành phố Khánh Hòa và huyện đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa. Quảng diễn cá ngừ đại dương do các nghệ nhân và đầu bếp nổi tiếng thực hiện. Khu trình diễn trên 200 tác phẩm cây cảnh, triển lãm các tác phẩm sinh vật cảnh. Đặc biệt mô phỏng kiến trúc nhà sàn Tây Nguyên.
Trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra Hội thảo kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP TP. Hà Nội, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên và tổ chức đấu giá, quyên góp ủng hộ đồng bảo bị ảnh hưởng lũ lụt miền Trung. Thời gian diễn ra bắt đầu 13h30 ngày 30/10, tại không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật ẩm thực đường phố quận Tây Hồ.
Chia sẻ về nội dung này, theo ông Vương Xuân Nguyên, Chánh văn phòng Hội sinh vật cảnh Hà Nội - cho hay, hưởng ứng phong trào thiện nguyện trên, cộng đồng những người yêu hoa lan và sinh vật cảnh cả nước đến nay đã huy động được trên 11 tỷ đồng thông qua hoạt động quyên góp và đấu giá sản phẩm sinh vật cảnh. Hiện nay, hoạt động quyên góp vận động tài trợ vẫn đang được diễn ra, dự kiến sau khi sự kiện kết thúc, sẽ huy động được khoảng 20 tỷ đồng.
Song song với hoạt động quyên góp, Ban tổ chức cũng kêu gọi sự ủng hộ từ phía các gian hàng bằng các hình thức khác nhau. Hiện có đơn vị cho biết sẽ dành 100% doanh thu tại sự kiện cho hoạt động từ thiện. “Có làng nghề ủng hộ bộ đèn lồng đạt giải nhất cuộc thi mỹ thuật ứng dụng năm 2019. Tinh thần khởi động của Ban tổ chức và sự đồng hành của các doanh nghiệp sẽ đem lại sức sống mới cho một sự kiện lần này”, ông Vương Xuân Nguyên nói.
Tại buổi họp báo, các thông tin về công tác đảm bảo an ninh, phòng cháy chữa cháy, bố trí điện, an toàn thực phẩm,… được các báo đài đặt câu hỏi với Ban tổ chức.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội - cho biết, các sản phẩm trưng bày tại hội chợ đều được công nhận từ 3 sao trở lên; các sản phẩm đăng ký dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020; các sản phẩm đặc sản vùng miền tham gia Chương trình OCOP của các địa phương. Sản phẩm tham gia hội chợ đảm bảo có truy xuất nguồn gốc, có xuất xứ rõ ràng, có bao bì, nhãn mác, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Chí kỳ vọng, Hội chợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên sẽ là cơ hội để giúp cho các chủ thể có thể kết nối giao thương các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị. Đồng thời, giúp các đơn vị kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, đơn vị kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online… để người tiêu dùng Thủ đô, người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đây cũng là dịp để người tiêu dùng đến tham quan, thưởng ngoạn, và thỏa sức mua sắm các sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền.