Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 7/5: Việt Nam sẽ có một năm xuất khẩu “bùng nổ” Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 8/5: Nhiệt điện Thái Bình 2 “hồi sinh” từ “vực thẳm” |
Tiến độ của 12 dự án thua lỗ thuộc lĩnh vực ngành Công Thương luôn thu hút sự quan tâm của báo chí. Qua bài viết “Các đại dự án từng thua lỗ đang vượt khó để "hồi sinh"”, báo Lao động phản ánh liên quan đến việc các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, hiện đã có 5 dự án "hồi sinh". Trong đó có 1 dự là DAP-1 Hải Phòng thuộc Tập đoàn Hóa chất cơ bản khắc phục các tồn tại yếu kém, sản xuất kinh doanh có lãi. Bốn dự án khác thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN cơ bản không còn vướng mắc về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước.
Với những dự án còn lại trong danh sách, Ban Chỉ đạo của Chính phủ ngay từ cuối năm 2021 đã thống nhất giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các tập đoàn, tổng công ty chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện, triển khai phương án xử lý theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Tiếp tục đưa tin về sự kiện Thủ tướng Chính phủ làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, báo Điện tử Chính phủ có bài viết “Đưa Nhiệt điện Thái Bình 2 hòa lưới điện quốc gia sớm nhất, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc tại các nhà máy khác chậm tiến độ”. Bài viết phản ánh, đây là dự án "đóng băng" nhiều năm nhưng đã "hồi sinh" mạnh mẽ thời gian gần đây và chuẩn bị đi vào vận hành, hòa lưới điện quốc gia. Dự kiến, sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hằng năm Nhà máy sẽ cung cấp trên 7,2 tỷ kWh điện cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, khi đi vào vận hành, dự án này có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách của Thái Bình.
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, báo Đầu tư có bài viết “Xuất khẩu sẽ lập kỷ lục mới”. Bài viết đưa ra thông tin, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn sau dịch Covid-19 nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine cao, mọi ngành nghề đều có dấu hiệu khởi sắc. Xuất khẩu của Việt Nam năm nay sẽ đạt kỷ lục mới. Các doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Standard Chartered đánh giá, ngày càng nhiều doanh nghiệp quốc tế có kế hoạch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam - quốc gia được coi là trung tâm sản xuất hàng điện tử, dệt may và da giày trong khu vực. Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì năng lực sản xuất và sản lượng của các nhà máy, điều này sẽ thực sự sẽ góp phần hỗ trợ chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với các ngành như nông nghiệp, dệt may và tiêu dùng điện tử.
Qua bài viết “Xuất khẩu tận dụng được hơn 69 tỷ USD từ ưu đãi thuế quan”, báo An ninh thủ đô đưa ra thông tin theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng được ưu đãi thuế quan chiếm 32,66% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA. Về kim ngạch tận dụng ưu đãi thuế quan, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đứng đầu với trị giá 18,9 tỷ USD. Tiếp đó là hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN và Hàn Quốc với trị giá lần lượt là 11,6 tỷ USD và 11,2 tỷ USD.
Lượng hàng hóa xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan từ Việt Nam sang thị trường Lào, Campuchia và Cuba có kim ngạch không đáng kể. Giới chuyên gia nhận định, các hiệp định thương mại tự do, nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế.
Qua bài viết "Nguy cơ thiếu hụt nguyên phụ liệu nhập khẩu: Cần sớm đa dạng nguồn cung", báo Công Thương đã đưa ra những khuyến cáo nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất và sản xuất phục vụ xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp cần đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu lẫn thị trường xuất khẩu hàng hóa để tránh phụ thuộc. Cần có nhiều hơn các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại thị trường trong nước, để từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu. Đối với các hiệp hội doanh nghiệp, cần có đánh giá, rà soát kỹ lưỡng tác động của việc Trung Quốc áp dụng biện pháp phong tỏa vì Covid-19. Đồng thời, trước chủ trương của Trung Quốc là "zero Covid", doanh nghiệp trong nước cần chủ động thích ứng, có chiến lược phù hợp để vừa cầm cự sản xuất, giữ khách hàng, vừa đảm bảo tiến độ giao hàng.
Cập nhật thông tin về thị trường, báo Tuổi trẻ đưa ra vài viết “Giá phân bón tăng cao nhất trong 50 năm qua, lên 16-18 triệu đồng/ tấn”. Để "hạ nhiệt" giá phân bón, bài viết đưa ra quan điểm của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đề nghị áp thuế xuất khẩu phân bón với urê, DAP, MAP nhằm hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước, giảm khó khăn cho nông dân. Đồng thời, bộ kiến nghị kiểm soát xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón để đảm bảo nguồn cung nội địa trong tình hình khan hiếm như hiện nay.
Về giá xi măng, báo Thanh niên có bài viết “Xi măng lại tăng giá hàng loạt”. Theo đó, từ đầu tháng 5 hàng loạt doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xi măng thông báo tăng giá bán. Lần tăng giá đồng loạt gần đây vào thời điểm 20.3. Các doanh nghiệp đưa ra nguyên nhân là giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng tăng cao, đặc biệt là than đã làm tăng giá thành phẩm sản xuất xi măng. Đặc biệt từ ngày 27.4, giá than thế giới tiếp tục tăng cao ảnh hưởng đến giá thành sản xuất clinker, xi măng.