Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 8/5: Nhiệt điện Thái Bình 2 “hồi sinh” từ “vực thẳm”
Công Thương và công luận 08/05/2022 12:48
Trong đó, báo điện tử BnewS của Thông tấn xã Việt Nam đăng bài “Nhiệt điện Thái Bình 2 vượt gian khó về đích”.
Nội dung bài báo đưa: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án khó khăn nhất cả nước, có những lúc bế tắc tưởng như đã “chết”, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến pháp lý.
Song, với quyết tâm cao nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cùng sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương và UBND tỉnh Thái Bình, đến nay dự án đã khởi sắc, sẵn sàng cho các mốc tiến độ mới, hướng tới mục tiêu hoàn thành, phát điện trong thời gian tới.
Ngành ôtô hướng đến dòng xe "xanh" là tựa bài đăng trên báo Người lao động số ra sáng nay.
Theo nội dung bài báo, các hãng ôtô đang nghiên cứu phương án chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện và đầu tư vào công nghệ sản xuất, dây chuyền lắp ráp.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 cũng khuyến khích sản xuất các dòng xe thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải như: Xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid (xe "lai", gồm cả động cơ xăng và điện), xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe thuần điện...
“Ở cấp cơ quan quản lý ngành, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án cụ thể về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ôtô điện” - bài báo nêu.
Về năng lượng, báo Lao động có bài “Ban hành mức trần khung giá phát điện năm 2022”. Nội dung bài báo đưa, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 820/QĐ-BCT về việc ban hành Khung giá phát điện năm 2022.
Theo đó, mức trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và cơ sở hạ tầng dùng chung) áp dụng cho các nhà máy nhiệt điện than là 1.773,76 đồng/kWh. Các thông số nhiên liệu sử dụng tính toán giá phát điện than năm 2022 với giá than nội địa (chưa bao gồm thuế GTGT và chi phí vận chuyển) là 1.845.000 đồng/tấn.
Mức trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế tài nguyên nước, tiền phí dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thuế GTGT) áp dụng cho các nhà máy thủy điện là 1.110 đồng/kWh.
Để hàng Việt có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới xuất hiện nhiều biến động, thì một trong những giải pháp cơ bản là phải tạo lập được chuỗi kết nối cung - cầu… là nội dung của bài “Kết nối cung cầu để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt” đăng trên báo Hà Nội mới số ra sáng nay.
Tác giả bài báo trích chia sẻ của Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga: “Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã trực tiếp triển khai, hướng dẫn, phối hợp các địa phương tổ chức trên 1.000 hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến; hàng triệu phiên giao thương trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa nông sản; tổ chức chuỗi chương trình tư vấn, cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về thị trường xuất - nhập khẩu trực tuyến, trực tiếp cho trên 2.000 lượt cơ quan, doanh nghiệp và đạt được những kết quả rất khả quan”.