10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2021 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2022 |
1. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị Thành phố; chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên
Các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị phát huy tinh thần đoàn kết, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn với tinh thần “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thành phố. Thành ủy bổ sung và ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy khóa XVII, phân công, phân cấp theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; chỉ đạo giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của Thủ đô.
Sau khi được HĐND Thành phố thông qua, thành phố Hà Nội đã triển khai Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội và Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Trong đó, nội dung trọng tâm của Đề án là xây dựng mục tiêu, nguyên tắc về phân cấp, ủy quyền; phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính, đạt 35,5% thủ tục hành chính cấp thành phố và cấp huyện; 41,65% thủ tục hành chính cấp thành phố.
Để tăng cường hiệu quả hoạt động công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trong năm 2022, Thành phố chú trọng, đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quy định số 09-QĐ/TU về “Một số vấn đề công tác quản lý đảng viên; rà soát, sàng lọc, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội”; Đề án 20-ĐA/TU về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới”.
Gắn với đẩy mạnh toàn diện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực được Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy triển khai tập trung, bài bản. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả. Tổ chức 46 đoàn kiểm tra, giám sát; kiểm tra có dấu hiệu vi phạm các tổ chức đảng và 2.910 đảng viên; tập trung chỉ đạo xử lý 28 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
2. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
Ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Ngày 26/8/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, xác định 4 mục đích, yêu cầu, các nhóm chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, đến năm 2030 và 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước. Đây là chương trình có ý nghĩa đặc biệt, là cơ sở pháp lý, điều kiện quan trọng để tạo động lực phát triển Thủ đô từ nay đến năm 2030 và 2045.
Cùng với Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là cơ sở chính trị quan trọng, định hướng mang tính chiến lược dài hạn nhưng rất cụ thể cho phát triển Thủ đô Hà Nội.
3. Kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19, tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt mức cao nhất trong 10 năm gần đây
Năm 2022, bức tranh kinh tế của Thủ đô có nhiều điểm sáng, nổi bật là: hoàn thành toàn diện 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó vượt kế hoạch 5 chỉ tiêu; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với năm 2021; tăng trưởng GRDP của Thành phố đạt 8,89%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, du lịch, dịch vụ được phục hồi với nhiều chỉ số tích cực. Đặc biệt, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 1.692 triệu USD, tăng mạnh so với năm 2021. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 23% so với năm 2021.
Cùng với phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội được bảo đảm. Thành phố đã trợ cấp cho trên 82.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với số tiền 1.655 tỷ đồng; trợ cấp cho hơn 200.000 đối tượng bảo trợ xã hội với mức đặc thù của Thành phố trên mức chuẩn Trung ương quy định. Đã thực hiện chi trả hỗ trợ kịp thời cho hơn 2,6 triệu lượt người thuộc 12/12 nhóm đối tượng khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền 2.659 tỷ đồng.
4. Thần tốc, quyết liệt thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
Sau 1 năm chuẩn bị, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15, ngày 16/6/2022. Đoạn trên địa bàn thành phố Hà Nội dài 58,2/112,8km, đi qua 7 quận huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông.
Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đến nay, cả hệ thống chính trị của Thành phố, đặc biệt 7 quận, huyện có dự án đi qua đã và đang dồn sức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án đúng tiến độ, quyết tâm đến tháng 6/2023 khởi công Dự án.
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội, tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
5. Hà Nội phát triển công nghiệp văn hoá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Chương trình 06-CTr/TU của Thành uỷ về phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022 về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Đây được coi là bước đột phá trong phát triển Thủ đô, nhằm bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân Thủ đô; định vị tầm nhìn chiến lược với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thật sự có tiềm lực, mang đậm bản sắc văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Thành phố đã thông qua Nghị quyết đầu tư các lĩnh vực văn hóa - xã hội, trong đó tập trung 3 lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa với tổng dự toán trên 49.000 tỷ đồng.
Năm 2022, Hà Nội tổ chức nhiều sự kiện mang bản sắc văn hóa Thủ đô: Lễ hội Thiết kế sáng tạo, Lễ hội áo dài, Hội thảo khoa học quốc tế về di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long; tổng kết 30 năm phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”; kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; Lễ trao Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…
6. Hà Nội “tỏa sáng” cùng SEA Games 31
SEA Games 31, Hà Nội vinh dự đăng cai tổ chức lễ khai mạc, bế mạc và tổ chức 18 môn thi đấu. Đây là lần thứ hai sau gần 2 thập kỷ (kể từ năm 2003), Hà Nội được sống trong không khí sôi động của một kỳ SEA Games và đóng góp tích cực cho thành tích thể thao nước nhà. Đoàn thể thao Hà Nội tham dự thi đấu ở 36/40 môn tại SEA Games 31, đóng góp tổng cộng 151/446 huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam. Nhiều vận động viên đạt 2-3 Huy chương Vàng tại Đại hội. Đây là thành tích nổi bật, đột phá cả về số lượng và chất lượng của thể thao Hà Nội, đóng góp số lượng huy chương nhiều nhất cho Đoàn Thể thao Việt Nam.
7. Giáo dục và đào tạo Thủ đô chuyển biến toàn diện, dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo Thủ đô có những chuyển biến toàn diện, đều khắp ở các cấp học, nhà trường, các loại hình giáo dục. Quy mô giáo dục tiếp tục mở rộng và phát triển, đứng đầu cả nước. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên; chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông được đổi mới; chất lượng dạy và học luôn được duy trì ổn định. Học sinh Thủ đô phát triển toàn diện về văn - thể - mỹ.
Trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, Hà Nội có 125 học sinh đoạt giải quốc gia và 82 huy chương, giải thưởng quốc tế; đoạt giải Nhất toàn đoàn Hội thi “Giai điệu tuổi hồng toàn quốc lần thứ XII - 2022” (tổng số 8 cụm, 925 đoàn và 3.588 tiết mục tham gia Hội thi); Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) ngành giáo dục và đào tạo được xây dựng và đi vào hoạt động, tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác chuyển đổi số. Hà Nội là một trong 4 địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.
Người tiêu dùng mua sắm sản phẩm tại Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP |
8. Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP
Từ năm 2019 đến nay, Thành phố có 1.649 sản phẩm OCOP, là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, gồm: 4 sản phẩm 5 sao; 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được Trung ương đánh giá; 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao của năm 2020 đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Trong đó, ngành thực phẩm 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống 35 sản phẩm, ngành thảo dược 17 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, ngành vải và may mặc 34 sản phẩm.
9. Hà Nội - Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Thế giới năm 2022
Với chính sách mở cửa, từ ngày 15/3/2022, du lịch Hà Nội bắt đầu đón khách du lịch quốc tế; khách du lịch nội địa tăng trưởng mạnh. Du lịch Hà Nội phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 1,5 triệu lượt khách; khách du lịch nội địa đạt 17,2 triệu lượt khách, tăng 4,3 lần so với năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 60.000 tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021.
Tại Lễ Gala ngày 11/11/2022 được tổ chức tại Oman, thành phố Hà Nội vinh dự được đề cử và nhận giải thưởng: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Thế giới năm 2022.
10. Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn gần 2.000 sự kiện quan trọng trên địa bàn Thủ đô
Năm 2022, Hà Nội tiếp tục là điểm đến đăng cai nhiều sự kiện quan trọng của quốc tế và đất nước. Các lực lượng chức năng đã bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các mục tiêu, địa bàn trọng điểm; hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và gần 2.000 sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội diễn ra trên địa bàn Thủ đô; trong đó có nhiều sự kiện mang tầm khu vực và quốc tế (Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022…). An ninh quốc gia tiếp tục được giữ vững, ổn định; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị có nhiều chuyển biến tích cực. Hà Nội trở thành một trong những điểm đến an toàn trên thế giới.