Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đã đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Chính phủ có giải pháp gì để chấm dứt tình trạng quy hoạch treo? Bên cạnh đó, áp lực về tăng dân số nội đô có nguyên nhân từ công tác xây dựng và quy hoạch, vậy Chính phủ có giải pháp hiệu quả gì để đạt được mục tiêu giảm áp lực tăng dân số ở nội đô, đặc biệt là các đô thị lớn?
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 5/6 |
Trước câu hỏi chất vấn của đại biểu, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tình trạng điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện ở các đô thị được nhiều đại biểu nêu. Dư luận xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội đang rất bức xúc về tình trạng điều chỉnh quy hoạch chạy theo nhà đầu tư, điều chỉnh tuỳ tiện, nâng tầng cao, nâng mật độ xây dựng làm gia tăng dân số, giảm không gian công cộng… gây quá tải lên hệ thống hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, các địa phương cho thanh tra, kiểm tra, rà soát lại các quy hoạch điều chỉnh, xem xét xử lý nghiêm với các quy hoạch điều chỉnh tuỳ tiện, không đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch và không đảm bảo cảnh quan kiến trúc theo đúng quy định pháp luật. Cho dừng thực hiện với các quy hoạch điều chỉnh vi phạm quy chuẩn, tiêu chuẩn đang thực hiện hoặc chưa thực hiện.
Thừa nhận tình trạng quy hoạch treo, dự án treo đang diễn ra ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng tới quyền lợi cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch, Phó Thủ tướng cho rằng, trước hết phải tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng quy hoạch. Cụ thể, phải có cơ chế để lựa chọn được các nhà tư vấn giỏi, có kinh nghiệm lập quy hoạch. Thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin về quy hoạch, công khai quy hoạch và lắng nghe ý kiến người dân trong việc lập quy hoạch cũng như trong điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.
Thứ hai, sau khi có quy hoạch được phê duyệt, các địa phương phải chủ động lập kế hoạch thực nghiệm quy hoạch (theo Nghị quyết 11 của Chính phủ). Trong đó xác định rõ lộ trình nguồn lực đầu tư (vốn ngân sách hay vốn xã hội) và các dự án ưu tiên để triển khai thực hiện.
Thứ ba, phải gắn việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch với việc thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, phải xác định cơ cấu các sản phẩm bất động sản hợp lý.
“Đặc biệt phải chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp để đáp ứng yêu cầu cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách, cho người nghèo, cho người thu nhập thấp”- Phó Thủ tướng lưu ý.
Đề cập đến việc kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh xu hướng tập trung hóa đô thị đang tăng rất nhanh. Trong đó, người dân dịch chuyển về đô thị lớn để tìm kiếm việc làm. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mỗi năm dân số tăng cơ học trên 2%. Tại 2 đô thị này mỗi năm tăng 200.000 người.
Chính vì vậy, việc đầu tư hạ tầng, đặc biệt là giao thông không theo kịp. Từ đó gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Phó Thủ tướng cho rằng, cần một giải pháp đồng bộ, vừa trước mắt, vừa lâu dài. Trước mắt là phải kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng. Từ đó có kế hoạch xây dựng đô thị vệ tinh, với kết cấu hạ tầng chất lượng, đồng bộ, hiện đại để hấp dẫn người dân. “Vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu UBND TP. Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phía Bắc sông Hồng làm đối trọng thu hút người dân ở nội đô. Ngoài ra cần bố trí nguồn lực để chuyển các cơ sở sản xuất ô nhiễm, các cơ quan đông người ra khỏi nội đô. Đây là vấn đề rất khó, cần nguồn lực lớn” - Phó Thủ tướng cho biết. Về dài hạn, Phó Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng chiến lược đô thị quốc gia, từng bước xây dựng đô thị vùng gắn với phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Giải pháp đó sẽ tạo nhiều việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giữ chân lao động ở lại quê hương.