Nhờ triển khai đồng bộ các hoạt động cải cách hành chính, tỉnh Yên Bái đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho phát triển bền vững năm 2022 và những năm tiếp theo.
Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động
Yên Bái luôn xác định cải cách hành chính là một trong 3 khâu đột phá chiến lược và là một trong những công cụ quan trọng, tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội. cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, từng bước hướng đến xây dựng một nền hành chính trong sạch, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội hiện đại, công khai, minh bạch, thuận tiện, thông suốt hiệu quả. Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và xã hội làm thước đo hiệu quả trong cải cách hành chính.
Cùng với đó, tỉnh thường xuyên rà soát, chỉnh sửa một số chức năng của phần mềm Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức và người dân thao tác, xử lý hồ sơ như: gửi tin nhắn khi tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính; mặc định ý kiến khi chuyển bước hồ sơ; xây dựng các báo cáo đặc thù của từng sở, ban, ngành; chức năng xin ý kiến đối với các thủ tục hành chính liên thông; tra cứu tình trạng hồ sơ thủ tục hành chính; tiếp nhận phản ánh, kiến nghị...
Việc thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, nhanh, thuận lợi; duy trì triển khai 100% dịch vụ công đủ điều kiện trực tuyến mức độ 4 liên thông từ tỉnh đến xã, ứng dụng công nghệ thông tin, giải pháp kỹ thuật để đưa các hoạt động cung cấp dịch vụ công chưa đủ điều kiện trực tuyến mức độ 4 lên môi trường mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận thực hiện. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, theo dõi đánh giá quá trình thực hiện các thủ tục hành chính của công dân theo định kỳ và thực hiện trả kết quả giải quyết thủ tục đúng thời gian.
Trong năm 2021, có 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả hệ thống thông tin từ tỉnh đến cơ sở. Thực hiện giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ trên 50%, có 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết các thủ tục hành chính. Tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai xây dựng chính quyền điện tử gắn với Đề án đô thị thông minh, kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh, dịch vụ công trực tuyến.
Với phương châm "Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho hiệu quả hoạt động”, thời gian qua, đội ngũ cán bộ phục vụ hành chính công các cấp thường xuyên được nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp ứng xử, phục vụ tốt việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
"4 xin, 4 luôn” gồm: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ được quy định tại Quyết định 1847/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ được đội ngũ cán bộ nghiêm túc thực hiện, tạo được sự thay đổi lớn khi chính quyền coi sự hài lòng của người dân là thước đo.
Tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ ở 6 lĩnh vực
Để tiếp tục phát huy và thực hiện hiệu quả cải cách hành chính trong năm 2022, tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ trên cả 6 lĩnh vực: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch.
Tăng cường trách nhiệm các ban, sở, ngành, UBND các cấp, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai, tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, gắn cải cách hành chính với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…
Thực hiện đồng bộ công tác cải cách hành chính, duy trì và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX), phấn đấu nâng từ 2 bậc trở lên so với năm 2021. Nâng cao Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt trên 90%. Đẩy mạnh các giải pháp thực hiện hiệu quả Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), phấn đấu 50% các chỉ số thành phần được đánh giá từ trung bình cao trở lên so với năm 2021.
Cụ thể hóa bằng xây dựng kế hoạch cụ thể và sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nhiệm vụ trọng tâm theo 6 nội dung của công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025. Thông tin tuyên truyền điểm đột phá, sáng tạo, mô hình mới, cách làm hay, đồng thời phê phán những hiện tượng tiêu cực, trì trệ, những vướng mắc trong quá trình thực hiện cải cách hành chính.
Trong cải cách thể chế, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp tình hình thực tế, đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Rà soát các văn bản các cấp kịp thời phát hiện, xử lý những văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp quy định. Công bố đầy đủ, kịp thời danh mục thủ tục hành chính, công bố thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ… công khai trên cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã; rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật và các nền tảng phục vụ chuyển đổi số.
Nâng cao tỷ lệ trao đổi văn bản đi và đến được xử lý theo quy trình đạt 100%. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt ít nhất 45%; người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần và tối thiểu 89% người dân, doanh nghiệp hài lòng về thủ tục hành chính. Tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng cấp tỉnh đạt 84%, cấp huyện 68%, cấp xã 42%.
Phấn đấu 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạnh điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng… giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính xuống trung bình tối đa là 15 phút/1 lần giao dịch, thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/1 hồ sơ. Hoàn thiện và phát huy hiệu quả Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái.