Trời đã xế chiều, phố xá ồn ào, náo nhiệt nhưng tại xưởng nhạc cụ Thanh Cầm trong con ngõ nhỏ ở phố Hào Nam, nghệ nhân nhạc cụ truyền thống Đỗ Văn Thước vẫn đang cùng con trai Đỗ Việt Dũng lên dây cho cây đàn nguyệt mới hoàn thành.
|
Nghệ nhân Đỗ Văn Thước truyền lại những kinh nghiệm làm nhạc cụ truyền thống cho người con trai của mình |
Tay vừa lên dây đàn, nghệ nhân Đỗ Văn Thước vẫn không ngừng truyền lại những kinh nghiệm làm nghề cho người con trai của mình, anh Đỗ Việt Dũng: Nghề làm nhạc cụ truyền thống lắm công phu. Để làm ra một cây đàn phải đi tìm kiếm các loại gỗ đặc dụng, xử lý chất liệu từ ngâm, tẩm, sao, sấy đến công đoạn chắp, ghép, đánh bóng, trau chuốt, khảm trai rồi bước hoàn thiện. Tất cả các công đoạn đều phải làm theo phương pháp thủ công hết sức tỉ mỉ, kiên trì, đúng với kỹ thuật và yêu cầu của nhạc cụ. Hơn hết, mỗi người thợ làm đàn phải có sự đam mê, lòng yêu nghề, có “lửa” và phải có khả năng am hiểu về âm nhạc dân tộc, trình độ kỹ thuật, am hiểu thị hiếu thị trường…
|
Xưởng nhạc cụ Thanh Cầm trong lòng Thủ đô |
Lão nghệ nhân với hơn 60 năm tuổi nghề tâm sự: Ngày nay với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, lớp trẻ không có sự kiên trì như chúng tôi ngày xưa nữa. Trong những năm làm nghề, tôi cũng đã truyền nghề cho rất nhiều người muốn học làm nghề, nhưng họ đến làm một thời gian rồi lại bỏ nghề, hơn nữa để có được cây đàn như ý thì người thợ phải làm thủ công hoàn toàn, mất nhiều thời gian nhưng giá thành lại không tương xứng, cũng chính vì thế mà mọi người không thể kiên trì theo nghề lâu dài.
|
Những cây đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tì bà… là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa Việt Nam |
|
Theo nhu cầu của thị trường, xưởng nhạc cụ Thanh Cầm còn chế tác cả đàn guitar |
Những học trò còn kiên trì theo nghề đàn của nghệ nhân Đỗ Văn Thước đến hiện tại phải kể đến con trai của lão nghệ nhân – Nghệ nhân Hà Nội Đỗ Việt Dũng. Theo chân nghệ nhân Đỗ Việt Dũng tới xưởng chế tác đàn Thanh Cầm, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Bởi giữa phố thị ồn ào, tấp nập và sự du nhập của các loại nhạc cụ điện tử, ngay giữa lòng thủ đô vẫn còn tồn tại một xưởng chế tác âm nhạc truyền thống. Khu xưởng nhỏ đầy đủ những dụng cụ mài, đục để chế tác gỗ của người thợ mộc. Có thăm xưởng làm đàn mới thấy hết được cái công phu tỷ mỉ của nghề. Cưa, bào, đục... to nhỏ có đến hàng trăm cái, sơn cũng hàng chục loại. Một cây đàn không thể hoàn thành khi mà đôi tay chưa cầm vào tất tật những dụng cụ ấy. Mùi sơn béc li nồng đậm theo nhịp điệu đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt của người thợ bám chặt vào thân đàn. Từng lớp, từng lớp lấp đầy từng thớ gỗ thô mộc.
|
Khu xưởng nhỏ đầy đủ những dụng cụ mài, đục để chế tác gỗ của người thợ mộc |
|
Bản mộc của các loại đàn đang chờ người thợ khoác lên lớp "áo mới" |
|
Những cây đàn truyền thống vẫn cứ lần lượt ra đời bởi đôi tay của những người thợ lành nghề |
Nghệ nhân trẻ tâm sự: "Từng tốt nghiệp Cử nhân Luật nhưng vì những trăn trở của bố nên tôi quyết theo nghiệp bố làm nhạc cụ dân tộc, vì đó là giá trị tinh túy của dân tộc, hồn cốt của ông cha. Tôi mong rằng, nghề làm nhạc cụ truyền thống sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cơ quan quản lý nhà nước để âm thanh những nhạc cụ này ngày càng ghi sâu trong lòng công chúng, để nhạc cụ dân tộc không bị lãng quên bởi những giá trị mới khác".
|
Nghệ nhân Đỗ Việt Dũng tiếp tục chế tác ra những nhạc cụ dân tộc với thanh âm trong trẻo, đẹp đẽ nhất |
Những âm thanh trong trẻo, tươi sáng với đủ mọi cung bậc của những cây đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tì bà… là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa Việt Nam. Những cây đàn truyền thống vẫn cứ lần lượt ra đời bởi đôi tay của những người thợ còn lại ở xưởng nhạc cụ Thanh Cầm vẫn tiếp tục nối dài những giá trị tinh hoa, gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc.