Đây là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế, luật sư, Hiệp hội doanh nghiệp trong Hội thảo “Cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội hay thách thức với doanh nghiệp”, diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 25/6.
Nhiều rủi ro cho doanh nghiệp Việt
Mỹ - Trung là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, cho nên cuộc xung đột thương mại giữa 2 nước chắc chắn sự tác động sẽ trực tiếp và nhanh hơn nhiều so với các nước khác.
TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho hay, cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc không đơn thuần là những tranh chấp về mặt thương mại. Đây thực sự là cuộc cạnh tranh mang tính sống còn của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới về vai trò dẫn dắt không chỉ kinh tế mà còn vị thế địa chính trị.
Những diễn biến leo thang trong việc đánh thuế của Mỹ lên hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc làm cho hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt đỏ tại thị trường Mỹ. Điều này cũng có thể gọi là cơ hội cho hàng hóa các nước khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, rủi ro từ cuộc chiến này với các DN Việt Nam là không nhỏ nếu doanh nghiệp (DN) Việt Nam không đủ nội lực và có sự chuẩn bị tốt.
“Mặc dù cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc vào Mỹ khá tương đồng nhưng điều này không đồng nghĩa với việc hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng thay thế hàng Trung Quốc ở thị trường Mỹ” - TS Trần Du Lịch phân tích.
Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu là nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, luật sư, Hiệp hội doanh nghiệp... tham dự |
Trong khi đó, TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc - Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, những lợi thế so sánh về mặt giá và khả năng thay thế hàng hóa Trung Quốc ở thị trường Mỹ cho Việt Nam mới chỉ trên lý thuyết, trong khi đó những tác động tiêu cực đã rõ nét hơn.
Cụ thể, là xuất khẩu các mặt hàng điện tử, điện thoại, máy tính, thủy sản, nông sản Việt Nam sang trung Quốc 6 tháng đầu năm 2019 đều giảm, điện thoại giảm tới 62,3%, thủy sản giảm 31,5%...
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra những thách thức, rủi ro khi làn sóng nhiều DN Trung Quốc chuyển nhà máy sang Việt Nam để tránh hàng rào thuế quan. Việc này có thể dẫn tới nguy cơ các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam qua Mỹ bị áp thuế phòng vệ thương mại, thuế chống lẩn tránh.
Thách thức đan xen cơ hội
Theo các chuyên gia, Trung Quốc là nhà sản xuất có quy mô, số lượng lớn với chi phí rất cạnh tranh, khi gặp khó ở thị trường Mỹ, các DN Trung Quốc sẽ chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác, kể cả Việt Nam. Khi đó, DN Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ các DN Trung Quốc, không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ngay tại thị trường nội địa.
Các chuyên gia thảo luận và chia sẻ thông tin tại hội thảo |
Từ một góc nhìn tích cực, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, Đại học Fulbright - cho rằng, chính sách thuế mà Mỹ - Trung Quốc áp vào hàng hóa của nhau trong thời gian dài đã gây những tác động không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng như xu hướng chuyển dịch, tái cấu trúc chuỗi cung ứng của hai cường quốc nói riêng và cả thế giới nói chung.
Với những thay đổi đến từ nền kinh tế toàn cầu, DN Việt có nhiều khả năng để phát triển, mở rộng mạng lưới vận chuyển hàng hóa cũng như thu hút nguồn vốn lớn, dù vậy, DN cũng cần có những chiến lược phù hợp để tránh việc kinh doanh, tiếp nhận nguồn vốn phát sinh những rủi ro không đáng có.
Việt Nam đang hưởng lợi khi nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển Trung Quốc sang… Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng lại tạo ra rất nhiều áp lực cho DN trong nước.
TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày tham luận tại hội thảo |
Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2019, dòng vốn đầu tư FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh, đạt 2 tỷ USD. Trong đó có tới 85% vốn đăng ký vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều này đồng nghĩa với việc trong thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể sẽ gia tăng nhưng lợi ích thật sự không thuộc về DN Việt Nam.
Về góc độ đầu tư, TS. Phạm Sỹ Thành cho rằng, các nhà quản lý của Việt Nam cũng cần kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư từ Trung Quốc có dấu hiệu dịch chuyển các nhà máy sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu và ô nhiễm vào Việt Nam để tránh những tác động lâu dài tới môi trường.
Nhằm khai thác tối đa những cơ hội từ xung đột này, theo các chuyên gia DN Việt Nam cần đầu tư vào sản xuất các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh về giá trị thay vì giá thành như hiện nay. Đồng thời, Việt Nam cũng nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất để có khai thác tối đa những cơ hội từ thương mại toàn cầu.