Đã nhiều năm qua, ngành đường Việt Nam phải đối phó với vấn nạn đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu do các đối tượng kinh doanh bất chính lợi dụng kẽ hở của pháp luật và công tác quản lý để hoạt động. Trong đó, các đối tượng đã dùng thủ đoạn mang bao bì in trong nước ra nước ngoài (thường là Campuchia) rồi sang bao sản phẩm biến đường nhập lậu thành đường có nhãn mác xuất xứ Việt Nam, sau đó đưa vào nội địa để tiêu thụ. Khi đường nhập lậu gian lận thương mại đã đưa vào kho trong nội địa, cơ quan chức năng rất khó phát hiện đó có phải là đường lậu hay không.
Bên cạnh đó, kể từ ngày 1/1/2020, Việt Nam đã chính thức xóa bỏ hàng rào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết ATIGA, đường nhập khẩu từ ASEAN được tự do nhập khẩu, với quy định hiện hành về quản lý bao bì, chỉ cần dán nhãn phụ lên bao bì nhập khẩu (chủ yếu là đường xuất xứ từ Thái Lan) là có thể lưu thông tự do, nên hầu như không thể phân biệt đâu là đường nhập khẩu chính ngạch và đâu là đường nhập lậu.
Các sản phẩm đường. Ảnh minh họa |
Lãnh đạo VSSA, cho biết, thiệt hại kinh tế do vấn nạn đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu gây ra cho ngành mía đường Việt Nam là cực kỳ nghiêm trọng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi xác định hàng hóa lưu hành trên thị trường là hàng nhập lậu, hàng gian lận thương mại, dù đã biết thông tin đó là hàng lậu, hàng gian lận thương mại.
Tại Chỉ thị 28/2020/CtT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho VSSA và các doanh nghiệp mía đường chủ động xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm ngăn chặn các hành vi buôn lậu đường. VSSA đã xây dựng dự thảo và kế hoạch triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, với qui mô các đơn vị sản xuất và thương mại tham gia gồm 30 nhà máy đường (mỗi nhà máy trung bình 20 sản phẩm ở dạng đóng bao 50kg và bao nhỏ hơn); 100 đơn vị thương mại cấp 1 và 500 đơn vị thương mại cấp 2 phân phối sản phẩm đường; 1.000 cơ sở sang chiết, đóng gói mỗi đơn vị bình quân 10 sản phẩm dạng bao nhỏ hơn 50kg.
Ông Cao Anh Đương - Quyền Chủ tịch VSSA, cho biết: Hệ thống truy xuất nguồn gốc ngành đường có quy mô quốc gia để quản lý, đánh giá và nhận diện được các loại đường sản xuất và đóng gói trong nước, nhập khẩu, xuất khẩu, hay nhập lậu và gian lận thương mại, kết nối với hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn và Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia trong tương lai. Hệ thống sẽ giúp các cơ sở trong ngành đường có thể truy xuất nguồn gốc điện tử tiêu chuẩn ISO 22000:2018 về thực hành sản xuất tốt (GMP), phân tích mối nguy và kiểm soát tới hạn (HACCP), quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn...
Yêu cầu chung là các cơ sở thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc theo nguyên tắc một bước trước - một bước sau đảm bảo khả năng nhận diện, truy tìm một đơn vị sản phẩm tại các công đoạn xác định dữ liệu của cây trồng/nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm; hỗ trợ truy xuất thông qua các thông tin được lưu giữ, bao gồm cả việc áp dụng hệ thống mã số nhận diện (mã hóa) sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất của cơ sở; giúp các cơ sở lưu giữ và cung cấp thông tin đảm bảo khả năng xác định tên, khối lượng, thời gian gieo trồng, hạn sử dụng, các hợp chất an toàn trong gieo trồng, thời gian cách ly phân bón, thuốc trừ sâu; lô hàng sản xuất; lô hàng nhận, cơ sở cung cấp và lô hàng xuất, cơ sở tiếp nhận; giúp phân biệt rõ lô hàng nhận/lô hàng sản xuất/lô hàng xuất khẩu để đảm bảo chính xác thông tin cần truy xuất; hỗ trợ soát xét và sửa đổi bổ sung thường xuyên hệ thống truy xuất, ít nhất 01 lần/năm cho phù hợp với tình hình thực tế hoạt động của cơ sở.
Các nội dung của hệ thống được mã hóa từ khi gieo trồng, nhận diện nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm trong suốt quá trình sản xuất, đảm bảo thuận lợi để truy xuất được các thông tin cần thiết; lưu trữ hồ sơ trong quá trình sản xuất; hỗ trợ thẩm tra định kỳ và sửa đổi hệ thống; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc (ai? làm gì? làm như thế nào? khi nào?).
Thu hoạch mía nguyên liệu. Ảnh minh họa |
Đồng thời, lưu trữ và cung cấp thông tin: Đối với lô hàng nhận như tên, địa chỉ và mã số (nếu có) của cơ sở cung cấp lô hàng nhận; thời gian, địa điểm giao nhận; thông tin về lô hàng nhận (chủng loại, khối lượng, mã số nhận diện). Đối với lô hàng sản xuất gồm thông tin về lô hàng sản xuất tại từng công đoạn (thời gian gieo trồng, bón phân, thời gian cách ly phân bón/thuốc bảo vệ thực vật, chủng loại thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sản xuất (số lượng và dữ liệu/mã code đường thô mua trong nước/nhập khẩu), chủng loại, khối lượng, mã số nhận diện lô hàng/mẻ hàng). Đối với lô hàng xuất gồm tên, địa chỉ và mã số (nếu có) của cơ sở tiếp nhận lô hàng xuất; thời gian, địa điểm giao nhận; thông tin về lô hàng xuất (chủng loại, khối lượng, mã số nhận diện). Hệ thống quản lý dữ liệu, mã hóa các thông tin truy xuất nguồn gốc phải đảm bảo thuận lợi cho việc tra cứu và thời gian tối thiểu phải lưu trữ hồ sơ là 03 năm.
Hệ thống có tính năng chống được hàng giả 100% (chống việc làm giả tem chống hàng giả, chống lại sự làm giả từ chính nhà sản xuất hoặc cơ sở sang chiết đóng gói) gồm hệ thống cấp mã QR code chống giả cho từng sản phẩm đường, kết hợp truy xuất cơ sở dữ liệu hỗ trợ các cơ quan chức năng kiểm tra/thanh tra khâu vận chuyển, lưu thông; cung cấp tiện ích app kiểm tra hàng giả bằng smart phone trên nền tảng android và IOS cho ngay kết quả kiểm tra hàng giả tại hiện trường. Hệ thống phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam và thế giới về truy xuất nguồn gốc, đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do (CPTPP và EVFTA...) Việt Nam đã ký kết, qua đó hỗ trợ các đơn vị ngành đường xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường quốc tế có thể chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm
Lãnh đạo VSSA cho biết, dự kiến giai đoạn 1 thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc ngành đường sẽ bắt buộc đối với các hội viên sản xuất và thương mại của VSSA (các hội viên ủy quyền cho VSSA). Doanh nghiệp tham gia hệ thống sẽ được cấp tài khoản và mật khẩu riêng, có thể tùy chọn mẫu báo cáo truy xuất dành cho thị trường phù hợp của mình, phân quyền người dùng trong nội bộ đưa thông tin và quyền truy cập xem thông tin cho các khách hàng của mình; có trách nhiệm cung cấp thông tin trong từng khâu một, có hệ thống truy xuất nội bộ để quản lý thông tin sản phẩm. Các thông tin của doanh nghiệp tham gia hệ thống sẽ được bảo mật.
Giai đoạn 2 sẽ mở rộng tham gia đến tất cả các đơn vị thương mại và sang chiết đóng gói đường ngoài VSSA. Các nhà máy đường có thể yêu cầu đối tác mua hàng (đại lý cấp 1) của mình phải tham gia hệ thống và các đại lý cấp 1 tiếp tục yêu cầu đại lý cấp sau mở rộng hệ thống. VSSA sẽ vận động ban hành chính sách bắt buộc truy xuất nguồn gốc với đường sản xuất trong nước, đường nhập khẩu như một hàng rào thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước và chống đường nhập và gian lận thương mại đường nhập lậu.