Lên kịch bản rõ ràng
Theo số liệu thống kê, tỉnh Sơn La có tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra trong năm 2021 ước đạt 87.520ha, sản lượng khoảng 448.630 tấn; đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 181 mã số vùng trồng với tổng diện tích 4.700ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và có 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cùng 21 sản phẩm sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ.
Xác định khâu chế biến, tiêu thụ là nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá, tỉnh Sơn La đã thành lập Ban Chỉ đạo về chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Các huyện, thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với nhiều hoạt động, sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản Sơn La. Giờ đây các sản phẩm nông sản đặc trưng của Sơn La như xoài, nhãn, mận... đã được người tiêu dùng trong nước biết đến.
Quảng bá nông sản an toàn Sơn La |
Không chỉ vậy, nhiều nông sản Sơn La; trong đó, có xoài, nhãn đã chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, EU.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La đang gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết áp lực về thị trường tiêu thụ nông sản, tỉnh Sơn La đang triển khai đồng bộ các giải pháp từ khâu trồng, thu hoạch, bảo quản và chế biến.
Ban Chỉ đạo về chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết về việc tiêu thụ nông sản theo từng kịch bản; trong đó, nếu tình trạng dịch được kiểm soát ổn định thì tiếp tục xuất khẩu nông sản, đưa vào chế biến và bán ở thị trường nội địa.
Trường hợp tình hình dịch phức tạp thì đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử và tập trung chế biến sâu. Trường hợp phải giãn cách xã hội sẽ tập trung đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử và bảo quản bằng kho lạnh.
Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên tuyền quảng bá các sản phẩm của địa phương; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đang thực hiện xuất khẩu nông sản để hình thành, mở rộng các kênh thông tin thị trường nông sản; đẩy mạnh hoạt động kết nối với các nhà máy chế biến nông sản ngoài tỉnh để hỗ trợ thu mua, chế biến nông sản và đẩy mạnh phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến nhỏ trên địa bàn tỉnh để thu mua và chế biến các loại quả tươi thành sản phẩm quả sấy khô, sấy dẻo.
Chung tay tiêu thụ nông sản
Xác định tiêu thụ nông sản trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thời gian qua, Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản. Đơn cử, ngày 10/6, tỉnh Sơn La đã phối hợp với tỉnh Lào Cai và Bắc Giang tổ chức Khai mạc Tuần lễ giao thương xúc tiến tiêu thụ mận tam hoa Bắc Hà (Lào Cai), vải thiều Bắc Giang và xoài Sơn La tại thành phố Lào Cai. Ngay trong ngày khai mạc, HTX Hưng Thịnh, huyện Mường La (Sơn La) đã bán được 4 tấn xoài với giá 15.000 đồng/kg xoài tượng da xanh, 25.000 đồng/kg xoài Úc, 20.000 đồng/kg xoài tím.
Nhân dịp này, Hợp tác xã Thịnh Hưng (Sơn La), UBND huyện Bắc Hà và một số nhà phân phối bán lẻ lớn của tỉnh Lào Cai như: Siêu thị Đức Huy, siêu thị Mai Long, siêu thị Thành Công… đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong thời gian tới.
Tiếp đó, ngày 11/6, Hội Nông dân huyện Mai Sơn đã huy động hội viên hỗ trợ nông dân xã Chiềng Sung và xã Cò Nòi thu hái 10 tấn mận hậu, đóng gói, dán tem chất lượng sản phẩm mang thương hiệu mận Sơn La đi tiêu thụ tại tỉnh Bình Phước. Sản phẩm mận được sản xuất an toàn, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; quá trình thu hoạch, đóng gói và vận chuyển được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, với vai trò của mình, Liên minh HTX tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm giới thiệu nông sản sạch chủ động kết nối với các HTX, Liên hiệp HTX để liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân và các HTX. Theo đó, ngay từ cuối tháng 5, ngoài giới thiệu và tiêu thụ 70 đầu sản phẩm OCOP của 15 HTX trong tỉnh, Trung tâm đã triển khai các giải pháp giúp các HTX trong tỉnh tiêu thụ nông sản, từ ngày 20/5 đến nay, Trung tâm đã tiêu thụ được hơn 2 tấn xoài cho các HTX ở huyện Yên Châu; gần 500 kg mận của các HTX ở địa bàn Thành phố và Mai Sơn; gần 300 kg cá các loại về các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình... thông qua các kênh bán hàng trên internet, mạng xã hội Facebook, Zalo. Để khâu vận chuyển hàng hóa được đúng thời gian yêu cầu, đảm bảo cho chất lượng sản phẩm khi đến tay khách hàng, trung tâm đã phối hợp với Bưu điện tỉnh cam kết thực hiện khâu vận chuyển không quá 3 ngày đối với sản phẩm nông sản của tỉnh. Nhờ đó, lượng tiêu thụ tương đối khả quan.
Không chỉ là điểm sáng của cả nước trong xây dựng vùng trồng an toàn, chất lượng, những năm gần đây, Sơn La nổi tiếng là địa phương có cách làm tốt trong tiêu thụ nông sản địa phương. Với các kịch bản được xây dựng kỹ lưỡng, hoạt động tiêu thụ nông sản Sơn La trong năm nay kỳ vọng sẽ thu được kết quả tốt.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2021 của Chính phủ)