Xuất nhập khẩu vượt mốc 600 tỷ USD, xuất siêu kỷ lục Xuất siêu liên tiếp giúp ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô! |
GDP cả năm ước tăng khoảng 5%
Chiều 27/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của ngành tài chính.
Điểm lại tình hình trong nước, thế giới tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nhờ sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức, nỗ lực của toàn đảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, đất nước đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, vượt qua khó khăn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định. GDP cả năm ước tăng khoảng 5%, đây là mức tăng trưởng cao so với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) ước tăng khoảng 3,5%. Xuất siêu với thặng dư cao kỷ lục, cả năm khoảng 26 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước vượt 3-4% so với dự toán.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP |
Đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp được thành lập mới và tái gia nhập thị trường 11 tháng là 201.530 doanh nghiệp, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam được nâng từ mức BB lên BB+, triển vọng "ổn định".
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu, kịp thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp thẩm quyền ban hành các giải pháp, chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong điều hành chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã chủ động, linh hoạt, kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chính sách hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu tăng thu, quản lý chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.
Nhờ chủ động trong điều hành và vận dụng hiệu quả nhiều giải pháp quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, ngành tài chính đã đảm bảo nguồn lực cân đối ngân sách các cấp, nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ quan trọng cấp bách phát sinh, song vẫn kiểm soát được bội chi, nợ công trong phạm vi Quốc hội quyết định 4% GDP.
Bộ Tài chính cũng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương.
Phó Thủ tướng cho biết, kết quả thu ngân sách nhà nước đến hết ngày 25/12/2023 đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5%; trong đó, ngân sách trung ương tăng 4,6%, ngân sách địa phương tăng 4,4% so dự toán. Đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 78,4 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng).
Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 1,7 nghìn tỷ
Đặc biệt, ước đến hết ngày 31/12/2023, tổng chi ngân sách nhà nước đạt khoảng 1.730 nghìn tỷ đồng, bằng 83% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước tăng so với cùng kỳ năm 2022 cả về quy mô vốn tăng 144 nghìn tỷ đồng và tỷ lệ giải ngân đạt 81,9% kế hoạch so với 75,1% năm 2022, phấn đấu cả năm (đến hết ngày 31/01/2024) đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, trong nhiều năm giải ngân vốn đầu tư công thường chậm so với mong muốn. Tuy nhiên, năm nay tình hình đã cải thiện rất nhiều cả về con số tuyệt đối và tương đối.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao cơ quan thuế, hải quan đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, vừa hướng dẫn tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, người dân, vừa quản lý chặt chẽ số phát sinh, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong thực thi pháp luật về thuế, thu đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước.
Đồng thời, chủ động triển khai các biện pháp tăng cường quản lý thu, khai thác nguồn thu, nhất là từ các hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới. Đẩy mạnh hiện đại hóa, điện tử hóa công tác thu thuế, mở rộng hóa đơn điện tử,....
Bộ Tài chính cũng làm tốt vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 389, tăng cường chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; đổi mới phương pháp và quyết liệt xử lý nợ thuế và các khoản phải thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán.
Phó Thủ tướng cho biết, tại hội nghị Trung ương 8 và Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XV vừa qua đã thông qua các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của năm 2024. Cụ thể là, tăng trưởng kinh tế 6-6,5%, kiểm soát lạm phát khoảng 4-4,5%, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, những kết quả đạt được trong năm 2024 sẽ tạo tiền đề để phấn đấu hoàn thành cao nhất Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025, chuẩn bị thế và lực để tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn tiếp theo.