Thứ tư 14/05/2025 10:16

Xuất nhập khẩu nông sản có thể chịu tác động từ 6 - 8 tháng do dịch nCoV

Đánh giá tác động của dịch cúm do virus corona (nCoV) đến hoạt động xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay: Phạm vi ảnh hưởng là tương đối rộng. Trong đó, mặt hàng trái cây chịu sức ép về thời vụ và bảo quản nên khó có thể xoay chuyển trong thời gian ngắn. Do đó, đề nghị tăng cường tiêu thụ nội địa, đồng thời kêu gọi người dân chung tay chia sẻ khó khăn với người nông dân cả nước.

Xuất khẩu nông sản lao đao vì nCoV

Tại Hội nghị "Thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch bệnh Corona" tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 3/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định: Dịch bệnh nCoV diễn biến phức tạp và có tốc độ lây lan hơn nhiều so với SARD. Trung Quốc và nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam, đã công bố dịch và áp dụng nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm và điều trị cho người dân. Tuy nhiên, tình hình dịch chậm cải thiện. Dịch bệnh đã tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế như: Giao thông vận tải, hàng không, đường sắt, du lịch, bán lẻ... và hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó có xuất nhập khẩu nông sản cũng không thể tránh khỏi trong ngắn hạn và trung hạn, dự kiến có thể chịu tác động từ 6 - 8 tháng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, hoạt động xuất nhập khẩu chịu tác động xấu vì nhiều nguyên nhân. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ giảm, ví dụ như chuỗi Starbucks ở Trung Quốc đã đóng cửa rất nhiều cửa hàng dẫn đến nhu cầu về cà phê giảm. Bên cạnh đó là những chuỗi cửa hàng như McDonald, KFC đặc biệt là ở Vũ Hán ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ cá philê trắng. Hoặc các nhà hàng khác ở Trung Quốc cũng vắng khách dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung giảm.

Bên cạnh đó, do chợ biên giới mở cửa chậm hơn thường lệ, phía Trung Quốc sẽ đóng cửa đến ngày 8/2, khiến việc trao đổi cư dân gián đoạn, đây là hình thức trao đổi quan trọng, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, nhất là trái cây của Việt Nam.

Ngoài ra, do khách mua Trung Quốc không thể sang được Việt Nam dẫn đến không có những đơn hàng mới mặc dù một số loại trái cây đã vào vụ. “Mọi năm giờ này họ đã sang rất tấp nập để chuẩn bị mua trái cây, hoa quả cho thị trường Trung Quốc. Phạm vi ảnh hưởng là tương đối rộng, đến các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu qua đường bộ, tạm gọi là thương mại biên giới, giữa Việt Nam và Trung Quốc có giá trị 7 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu (XK) qua đường chính thức khoảng 3,7 tỷ USD, riêng XK theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Tăng cường tìm thị trường mới, đa dạng giải pháp hỗ trợ

Trước tình hình trên, ngay từ mùng 5 Tết, Bộ Công Thương đã có văn bản cập nhật tình hình, đưa ra cảnh báo. Đồng thời yêu cầu các thương vụ nước ngoài tổ chức tìm kiếm, kết nối chuyển hướng hoạt động thương mại XK mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây, sang các thị trường khác. Đề nghị các doanh nghiệp logistics giúp bảo quản nông thủy sản trong thời gian chờ XK. Các chi nhánh thương vụ tại Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) cũng đã và đang tích cực trao đổi với các tỉnh biên giới nhằm thúc đẩy thời gian mở cửa các chợ biên giới. “Chúng tôi cũng đã vận động một số chủ hàng chuyển sang XK chính ngạch để giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ. Tuy nhiên, kết quả thu được là chưa nhiều do XK theo hình thức trao đổi cư dân, đặc biệt là XK trái cây được ưu đãi thuế VAT khi nhập khẩu vào Trung Quốc nên chiếm một tỉ trọng khá lớn. Mặc dù Bộ Công Thương đã khuyến khích các doanh nghiệp chuyển qua XK chính ngạch suốt 2 năm qua” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lý giải.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: Với hình thức XK trao đổi cư dân như trên thì chỉ còn cách đợi các chợ biên giới mở cửa trở lại. Do đó, gần đây đã xuất hiện tình trạng ùn ứ cục bộ do các chủ hàng tương đối ngại ngần khi chuyển sang XK chính ngạch vì sẽ mất thêm chi phí, đáp ứng thêm một số tiêu chuẩn về bao bì, nhãn mác. "Những sản phẩm có thể chuyển sang XK chính ngạch chúng tôi đã đề nghị chuyển ngay, đặc biệt là lô hàng sợi. Nhưng những mặt hàng như vậy không có nhiều"- Thứ trưởng chia sẻ thêm.

Thanh long rớt giá do ảnh hưởng dịch virus Corona

Bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã triển khai, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục yêu cầu các thương vụ vào cuộc. Nhiều thương vụ đã có lịch làm việc với khách hàng trong tuần này. Đồng thời tiếp tục theo dõi tiến độ XK cho đến khi các cửa khẩu chính thức mở cửa trở lại để kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh. Đồng thời, đề nghị bà con thay đổi tiến độ sản xuất vì tình hình dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp, khó lường và có khả năng còn kéo dài. Bên cạnh đó, cần tổ chức kết nối chuỗi cung ứng tiêu thụ nội địa với một số vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An…

Biện pháp tiếp theo là động viên, hướng dẫn các chủ hàng XK theo đường chính ngạch đối với các lô hàng có đủ điều kiện; khuyến nghị người bán, đóng gói, gắn tem nhãn phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc. Đối với những lô hàng không đủ điều kiện cần ưu tiên giải phóng hàng trong ngày 9/2 khi chợ biên giới mở cửa trở lại; khuyến nghị các tỉnh biên giới tổ chức hỗ trợ bảo quản đối với các container đến ngày 9/2.

Trước ảnh hưởng của bệnh dịch, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc thông qua cắt giảm lãi suất. Tại Thái Lan, nếu không có gì thay đổi sẽ thông qua chương trình tổng thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp lữ hành. Ví dụ như cho vay ưu đãi, hoãn trả lãi vay và vốn vay, tạm hoãn đóng thuế thu nhập, giảm một số loại thuế, phí. Trong bối cảnh này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị Bộ NN&PTNT cần có những giải pháp tổng hợp nhu cầu của ngành nông nghiệp trình Chính phủ để có những giải pháp hỗ trợ tương tự giúp đỡ bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính rà soát lại các loại thuế và phí, nhất là phí đường bộ, xem xét giảm phí lưu thông đối với nông sản XK hiện nay.

Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Dịch nCoV sẽ tác động đến tất cả các ngành nhưng tổn thương lớn nhất là nông nghiệp. Do đó, đề nghị các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp cần nhận dạng kỹ, đúng và chính xác với dịch bệnh này đối với lĩnh vực nông nghiệp từ đó xây dựng kịch bản, đề ra nhóm giải pháp cụ thể ở cả khu vực nhà nước, doanh nghiệp, người dân với thái độ, tinh thần khẩn trương nhưng cần bình tĩnh, biến thách thức thành cơ hội, tái cơ cấu nền nông nghiệp sâu sắc hơn.

Ông Nguyễn Công Trưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn: Trước Tết, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn bình thường, đến 28 Tết Canh Tý tại các cửa khẩu của Lạng Sơn đã xuất toàn bộ hàng, không còn xe nào tồn đọng. Tuy nhiên, từ mùng 1 Tết, dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đóng 9 cặp chợ biên giới từ 31/1 đến 8/2, nếu dịch còn tiếp diễn phức tạp sẽ đóng kéo dài nên XK nông sản sang Trung Quốc gặp khó, hiện vẫn còn 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan, trong đó có 190 xe thanh long, trọng lượng trên 5.300 tấn. Điều đáng nói là, hàng thanh long vẫn đang tiếp tục được đưa lên, riêng với thanh long, tỉnh Lạng Sơn đã mở đường XK riêng ở mốc hai bên Việt Nam – Trung Quốc vừa khánh thành, và đã xuất được 8.000 xe. Đồng thời cũng đã chỉ đạo, các bến bãi chỉ thu phí ban đầu, còn những ngày còn lại không được phép thu bởi bà con đang rất vất vả. UBND tỉnh khuyến cáo doanh nghiệp, hiệp hội hạn chế đưa xe lên Lạng Sơn thời điểm này, tìm giải pháp tiêu thụ khác trong nội địa, bởi có đưa lên cũng nằm chờ, tốn chi phí.

Nguyễn Hạnh - Bùi Hùng

Tin cùng chuyên mục

Anh sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nguồn vốn triển khai JEPT

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là cấp thiết

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả: Ưu tiên hàng đầu

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Đổi mới tổ chức công đoàn, lấy đoàn viên làm trung tâm

Ngọn lửa ấm của người Công Thương trên đất Tổ Vua Hùng

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh

Chùm ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đồng hành cùng Tháng Công nhân 2025

Việt Nam - Campuchia ký thỏa thuận thương mại ưu đãi đặc biệt

Chùm ảnh: Việt Nam - Campuchia ký thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ủng hộ Sơn La xây cao tốc, 'đường to, cơ hội lớn'

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên điện đàm với Trưởng Đại diện thương mại Hoa Kỳ, khởi động đàm phán

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Bảo đảm đủ điện trong mọi tình huống

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì họp cung ứng điện dịp 30/4-1/5 và mùa khô 2025

Khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội tại Hà Nam

Hội nghị của Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Việt Nam - Ethiopia ký kết hợp tác về thương mại

Việt Nam - Hàn Quốc mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp đầu tiên của Đoàn đàm phán thương mại với Hoa Kỳ

Ảnh: Kỳ họp 14 Uỷ ban hỗn hợp Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Việt Nam - Hàn Quốc

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Nga gỡ vướng FTA VN-EAEU