![]() |
Giới thiệu hàng Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ |
Xin ông cho biết, xu hướng trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có sự thay đổi như thế nào tới đây, trước diễn biến khó lường của nền kinh tế toàn cầu?
Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường tiềm năng cho XK của Việt Nam do quy mô kinh tế lớn, nhu cầu tiêu dùng cao. Tuy nhiên, tỷ trọng hàng XK của Việt Nam trong tổng NK của quốc gia này vẫn còn thấp (khoảng 0,5%).
Một thực tế là, hầu như không tìm thấy hàng hóa Việt Nam có thương hiệu tại thị trường sở tại. Đa số hàng hóa XK vào đây được các nhà NK sử dụng thương hiệu của họ. Nên nhiều người tiêu dùng tại đây không biết đang sử dụng hàng hóa của Việt Nam hoặc chỉ biết hàng hóa của các hãng lớn sản xuất tại Việt Nam.
Trước tác động của dịch Covid-19, XK của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp khó khăn. Nhưng một số mặt hàng nguyên liệu cho sản xuất như cao su, xơ sợi, hoặc các sản phẩm XK của Việt Nam có chỉ dẫn địa lý vẫn có cơ hội tại đây, nhưng cần đầu tư vào công tác xây dựng thương hiệu và giới thiệu về chỉ dẫn địa lý.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước có nền sản xuất công nghiệp phát triển, vậy làm thế nào để DN Việt có thể thâm nhập vào thị trường này, thưa ông?
Thổ Nhĩ Kỳ là nước có các ngành công nghiệp phát triển, các DN sở tại cũng khá năng động, luôn tìm kiếm nguồn cung cấp với chi phí cạnh tranh. Vì vậy, sản phẩm Việt phải có sức cạnh tranh về chi phí, giá thành, đảm bảo chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của Thổ Nhĩ Kỳ mới thâm nhập vào thị trường này.
Tuy nhiên, DN Việt vẫn có thể tận dụng các thị trường ngách, để khai thác được DN cần nắm bắt xu hướng tiêu dùng và chính sách để tìm mặt hàng phù hợp. Đơn cử, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ có chính sách hạn chế tiêu dùng bao gói, túi đựng từ nhựa, một số DN Việt Nam đã có thể bán các loại ống hút từ vật liệu có nguồn gốc hữu cơ, nguồn gốc tự nhiên hoặc các loại bao bì tự tiêu hủy.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến hoạt động XK của DN Việt Nam gặp khó, Thương vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã có những hành động gì để hỗ trợ DN trong nước tìm kiếm thị trường mới?
Chúng tôi luôn theo dõi sát tình hình thị trường nước sở tại, nắm bắt những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu, báo cáo về Bộ Công Thương và để thông tin cho các DN, đặc biệt là quy định cấp giấy phép XK đối với các mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, chúng tôi đã tích cực liên hệ với các đơn vị NK nông sản sở tại và hỗ trợ liên hệ với các DN XK nông sản trong nước; hỗ trợ các DN NK các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả một số hợp đồng NK khẩu trang, nguyên liệu sản xuất khẩu trang, vải không dệt may quần áo kháng khuẩn đã được ký kết và giao hàng về Việt Nam bằng đường hàng không.
Xin cảm ơn ông!
Cuối tháng 4, Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp với một số đơn vị tổ chức giao lưu trực tuyến để xúc tiến thương mại giữa hai nước. Sự kiện thu hút khoảng 30 DN Việt Nam tham gia. |