Thông tin trên được các chuyên gia cho biết tại Hội thảo “Duy trì và mở rộng thị phần cho mật ong Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu”, do Dự án EU-MUTRAP phối hợp cùng Văn phòng SPS tổ chức ngày 1/11.
EU - Thị trường tiềm năng cho mật ong Việt Nam
Theo Hội nuôi ong Việt Nam, nếu như năm 2007 Việt Nam chỉ xuất khẩu gần 17.000 tấn mật ong thì đến năm 2016 đã tăng lên trên 40.000 tấn. Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam hiện vẫn là Hoa Kỳ (chiếm khoảng 90% với sản lượng 38.514 tấn), chỉ có 10% còn lại là ở các thị trường khác, trong đó có châu Âu. Điều đáng nói là thị trường Hoa Kỳ lại đang có xu hướng sụt giảm cả về giá trị lẫn sản lượng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, vì vậy Hội nuôi ong Việt Nam cho rằng các DN sản xuất ong cần phải đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ qua EU để tránh việc bỏ trứng vào một rổ.
Phân tích cụ thể, ông Đinh Quyết Tâm- Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam- cho biết, việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Hoa Kỳ sẽ dẫn đến bất lợi cho DN Việt Nam nếu nhu cầu của thị trường này đột ngột giảm. Bằng chứng là trong năm 2016 và trong 9 tháng đầu năm nay, sản lượng xuất khẩu vào thị trường này đã có sự sụt giảm đáng kể; giá xuất khẩu cũng giảm mạnh (nếu như trước đây tương đương với Ấn Độ thì nay thấp hơn từ 7-10%).
Trong khi đó, EU cũng là một thị trường tiêu thụ mật ong lớn tương đương với Hoa Kỳ, có mức độ tăng trưởng 5,5-7%/năm. Hiện số lượng đàn ong, người nuôi ong tại EU đang có xu hướng suy giảm, cùng với đó là việc thị trường EU đã mở cửa cho mật ong Việt Nam thâm nhập. Theo đó, sản lượng xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào EU đang tăng dần qua từng năm. Cụ thể, nếu như năm 2007 chỉ đạt 293 tấn, đến năm 2015 là 615 tấn thì đến năm 2016 đã tăng lên 1.330 tấn và chỉ trong 9 tháng đầu năm nay xuất khẩu vào thị trường này đã đạt 1.469 tấn.
Nhiều rào cản cần sớm khắc phục
Dù biết EU là thị trường tiềm năng nhưng trên thực tế các DN sản xuất ong lại không mặn mà với thị trường này. Ông Nguyễn Việt Cường- CEO Công ty TNHH khai thác mật ong Đắk Nguyên Hồng - cho biết, các công ty Việt vẫn làm theo thói quen, lựa chọn hệ số an toàn vì thế họ chọn thị trường truyền thống là Mỹ. Đối với thị trường EU, cái khó hiện nay của DN là thiếu thông tin thị trường, chưa có tổ chức hỗ trợ thực chất và chưa có nhóm nghiên cứu riêng về thị trường EU. Trong khi đó các cơ quan nhà nước chỉ quan tâm đến làm sao để mở cửa được thị trường EU chứ chưa có chương trình quản lý, kết nối để thâm nhập vào thị trường EU. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu EU chưa biết đến sản phẩm mật ong của Việt Nam, chưa hiểu rõ chất lượng mật ong Việt và mật ong Việt đang bị xếp “cùng mặt bằng” với mật ong Trung Quốc.
“Muốn thâm nhập thị trường EU, tôi cho rằng, chúng ta phải xây dựng thương hiệu mật ong Việt, lập kết hoạch dài hạn (3-5 năm) và quan trọng là các DN phải hợp tác thành lập một ban nghiên cứu thị trường EU cũng như tăng vai trò dẫn hướng trong chuỗi giá trị (người nuôi ong - thu mua - nhà xuất khẩu)… Về phía người nuôi, phải nghiêm túc áp dụng nuôi ong theo VietGAP, cập nhật và áp dụng những mô hình nuôi ong tiên tiến từ nhà xuất khẩu, lựa chọn giống ong, thức ăn, cách chăm sóc - khai thác đảm bảo sản phẩm đầu ra đồng nhất”- ông Cường đề xuất.
Theo ông Nikolaus Bieger- Chuyên gia quốc tế của Dự án EU-MUTRAP, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc là một vấn đề chính trong các quy định về thực phẩm của EU và DN phải tuân thủ yêu cầu bắt buộc này. Đặc biệt, Liên minh châu Âu đã đặt ra mức dư lượng tối đa (MRLs) đối với thuốc trừ sâu trong các sản phẩm thực phẩm nên các DN phải lưu ý vấn đề này.
Đối với mật ong của Việt Nam, theo phản ánh của một nhà nhập khẩu châu Âu, nhà nhập khẩu này hợp tác với các nhà cung cấp mật ong từ Việt Nam từ nhiều năm nay và nhiều lần gặp phải những vấn đề lặp đi lặp lại như: hàm lượng Glycerine, hàm lượng nấm men và hàm lượng axit quá cao. Tất cả các các thông số này chỉ ra mật ong thu hoạch “chưa chín” và hậu quả là bị lên men ngoài mong muốn hoặc ngừng lên men. Bên cạnh những vấn đề chính này, có một vấn đề với việc nuôi ong bằng đậu nành gây ô nhiễm mật ong. Do đó, các nhà sản xuất mật ong phải cải thiện phương thức sản xuất ong để có sản phẩm chất lượng hơn.
“Chúng tôi sẽ đánh giá cao nếu các bạn có thể cải thiện chất lượng mật ong nhiều hơn nữa bởi chúng tôi thấy mật ong Việt Nam có tiềm năng thâm nhập vào thị trường EU. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cần có chiến lược để cải thiện phương thức hoạt động của các nhà sản xuất mật ong”- ông Nikolaus Bieger nhấn mạnh.