Cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo Căng thẳng lương thực toàn cầu dự báo kéo dài trong năm 2024, cơ hội cho gạo Việt |
Theo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, kết thúc năm 2023, giá trị xuất khẩu kim ngạch toàn tỉnh đạt trên 1,5 tỷ USD. So với cùng kỳ giảm nhẹ nhưng vẫn đạt mục tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Gạo là mặt hàng điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Sóc Trăng |
Ông Hứa Trường Sơn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng đánh giá, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được các thị trường xuất khẩu truyền thống như: Mỹ, Canada, Nhật Bản, EU… và khai thác khá tốt các lợi thế do Hiệp định thương mại mang đến. Tuy nhiên, so với năm 2022, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là thủy sản lại sụt giảm hơn 11% khi đạt kim ngạch 950 triệu USD. Nguyên nhân do tình hình thế giới diễn biến phức tạp; lạm phát tăng cao; khủng hoảng kinh tế ở một số nước lớn; người dân một số nước nhập khẩu thắt chặt chi tiêu; nguồn cung lớn hơn cầu do sự cạnh tranh quyết liệt về giá tôm của Ấn Độ và Ecuador.
Dù vậy, trong bức tranh xuất khẩu của tỉnh vẫn ghi nhận điểm sáng là mặt hàng gạo. Theo đó, kết thúc năm xuất khẩu gạo toàn tỉnh đạt 450 triệu USD, tăng mạnh 34% so với năm 2022. Về thị trường, xuất khẩu gạo tỉnh tập trung vào các quốc gia gồm Philippines, Trung Quốc. “Nhờ vào sự tăng trưởng mạnh xuất khẩu gạo đã bù đắp cho sự sụt giảm trong xuất khẩu của thủy sản”- ông Sơn đánh giá.
Lý giải nguyên nhân xuất khẩu gạo tăng, theo Sở Công Thương Sóc Trăng, năm 2023 nhu cầu gạo của thế giới tăng, trong khi đó nguồn cung lại bị thiếu hụt bởi Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo trắng thông dụng. Tận dụng thời cơ này, toàn tỉnh đã đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo với giá cao, mang lại lợi nhuận cao cho cả người dân và doanh nghiệp.
Về kế hoạch năm 2024, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đặt ra chỉ tiêu xuất khẩu giá trị hàng hóa 1,5 tỷ USD; trong đó, chủ lực vẫn là gạo, thủy sản.
Lý giải việc đặt ra chỉ tiêu xuất khẩu tương đương với năm 2023, theo Sở Công Thương Sóc Trăng, năm 2024 kinh tế thế giới vẫn chưa có tín hiệu lạc quan; lạm phát tiếp tục ở mức cao ở một số nền kinh tế lớn; xung đột chính trị ở một số quốc gia chưa có dấu hiệu chấm dứt… là các yếu tố sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh nhận diện khó khăn, thách thức năm 2024, Sở Công Thương Sóc Trăng cũng đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch đề ra. Cụ thể là sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất chế biến, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cùng với đó, triển khai các giải pháp hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng mô hình kinh tế hợp tác liên kết sản xuất và chế biến các mặt hàng xuất khẩu, nhất là con tôm, giảm các khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, mở rộng diện tích thả nuôi, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu trong thời gian tới. Ngoài ra, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm với các thị trường mới.