Ngày 20/8 vừa qua, phản ánh với phóng viên Báo Công Thương chị D.H ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết đã nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là nhân viên giao hàng của Công ty Giao hàng tiết kiệm, thông báo chị có 1 đơn hàng và cần thanh toán qua số tài khoản đối tượng này gửi trong tin nhắn.
Chị D.H thường có thói quen mua hàng online và báo nhân viên shiper để hàng ở ban công rồi nhắn chị số tiền kèm số tài khoản ngân hàng để chị thanh toán, chị D.H đã chuyển khoản gần 230.000 đồng vào tài khoản đối tượng này gửi. Sau khi chị D.H chuyển khoản thành công, các đối tượng liền thông báo do nhầm lẫn nên số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên shipper, khi chuyển tiền vào đó, trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ tiền từ 3-5 triệu đồng.
Cụ thể, sau khoảng 30 phút, đối tượng gọi điện lại thông báo: “Chị ơi, em xin lỗi chị do em gửi nhầm số tài khoản ngân hàng của công ty, chị chuyển khoản vào số tài khoản đó là tự động hệ thống coi chị là nhân viên giao hàng giống bọn em.”
Sau khi nhằm vào sự thương cảm của nạn nhân, các đối tượng còn “đánh” vào tâm lý sợ hãi của họ để thực hiện hành vi lừa đảo của mình, đối tượng giả mạo nhân viên giao hàng nói: “Khi chị chuyển tiền vào số tài khoản bên giao hàng tiết kiệm sẽ tự động giao cho chị 300-500 đơn hàng mỗi tháng để chị giao, nếu chị không giao bên công ty sẽ cộng dồn những đơn hàng đó cho chị, đến cuối năm chị phải giải trình và bồi thường thiệt hại cho công ty…”.
Đồng thời, như chị D.H chia sẻ, người đàn ông này nói: “Sẽ có tổng đài gọi lại cho mình, thì chị vui lòng nghe máy và nhắn tin với đường link trang facebook của Giao hàng tiết kiệm giúp em để huỷ thẻ hội viên…”
Chiều cùng ngày, sau khi nhắn tin qua mạng xã hội Facebook cho tài khoản có tên : “Giao Hàng Tiết Kiệm”, đầu dây bên kia lại là một đối tượng khác theo như lời chị D.H chia sẻ là: “Nghe giọng người đàn ông gọi từ tổng đài giả mạo có vẻ chững chạc và thuyết phục hơn…”
(Ảnh minh hoạ: Thư viện Pháp luật). |
Khi nạn nhân bấm vào đường link giả mạo và nhập các thông tin cá nhân sẽ có nguy cơ bị đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng. Chị D.H chia sẻ, đối tượng yêu cầu chị nhập vào đường link “giaohangtietkiem247.com” và share màn hình, sau khi quanh co nhập các bước thao tác có vẻ không đáng ngờ, thì chúng mới vào vấn đề chính đó là chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
“Hắn yêu cầu tôi vào ứng dụng ngân hàng mà sáng tôi chuyển khoản nhầm cho shiper, tuy nhiên khi vào ngân hàng đã bị thoát ra (có vẻ như ai đó đã cố tình đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của tôi nhưng sai mật khẩu quá 3 lần nên ngân hàng tự động khoá không truy cập đăng nhập được”, chị D.H nói. Tiếp đó, đối tượng lại yêu cầu chị D.H vào một ứng dụng ngân hàng khác. Lúc này chị D.H phát sinh nghi ngờ khi đối tượng liên tục vội vàng thúc giục chị nhập mã OTP để chuyển tiền. Do nghi ngờ bị lừa đảo, người dùng này đã không thực hiện theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo.
Cũng gặp tình huống tương tự với đối tượng giả mạo nhân viên Công ty Giao Hàng Nhanh chị L. hiện trú tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) sau khi mất gần 500.000 đồng tiền đơn hàng thì đã mất tiếp 8 triệu đồng vì làm theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo.
Có thể thấy, đối với hình thức lừa đảo “giả mạo thương hiệu” trên, các đối tượng sẽ tạo lập các trang Fanpage, trang mạng xã hội giả mạo vô cùng tinh vi và chuyên nghiệp. Trang web giả mạo có giao diện trông giống như trang web chính thức của một thương hiệu nổi tiếng.
Các đối tượng còn có thể sử dụng các tên miền tương tự hoặc thay đổi một vài ký tự để làm cho trang web trông hợp lệ. Để tăng mức độ uy tín, các đối tượng còn tạo ra các tài liệu, quảng cáo, hoặc sản phẩm với tên và logo của thương hiệu nổi tiếng. Đồng thời, đăng tải những nội dung về các bài viết có liên quan đến “hội viên giao hàng” để tăng tính thuyết phục và thu hút sự chú ý và đánh lừa người dùng.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, nhân viên chăm sóc khách hàng Giao Hàng Tiết Kiệm và Giao Hàng Nhanh khẳng định, không có việc công ty có tự động đăng ký hội viên, người lao động muốn đăng ký làm nhân viên giao hàng đều phải qua các bước nộp hồ sơ, phỏng vấn với các cấp quản lý và được đào tạo trên trụ sở sau đó mới được phân công tuyến giao của mình. Ngoài ra, hai công ty trên còn cảnh báo người dân tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn do người lạ gửi đến và không cung cấp các thông tin cá nhân, chỉ chuyển tiền khi nhận được hàng.
Đây là một loại hình lừa đảo mới, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác: Không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản, thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận và tuyệt đối không click vào bất cứ đường link nào để tránh sập bẫy.
Chia sẻ với Báo Công Thương, Luật sư Võ Đình Đức - PGĐ Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á SEALAW cho biết, từ những vụ việc trên có thể cơ bản đánh giá các đối tượng đã dùng thủ đoạn gian dối, tinh vi hòng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân và thực tế hậu quả gây thiệt hại cho các nạn nhân đã xảy ra. Vì vậy, cơ quan chức năng có thể điều tra, xem xét để truy tố các đối tượng trên về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174, Bộ luật Hình sự.
Về khung hình phạt, Luật sư Võ Đình Đức cho rằng, ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tùy thuộc vào hành vi gian dối và mức độ thiệt hại để áp dụng các khung hình phạt tương ứng. Ở các tình huống trên, các đối tượng phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp có thể chịu hình phạt theo khoản 2 Điều 174, với khung hình phạt từ 02 đến 07 năm tù. Nhưng nếu như cơ quan điều tra, phát hiện các đối tượng đã chiếm đoạt tài sản từ 200 - 500 triệu đồng thì áp dụng khoản 3, Điều 174 với khung hình phạt từ 12 - 20 năm tù.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người tiêu dùng nâng cao ý thức cảnh giác khi thanh toán nhận hàng online. Người dân cần cẩn trọng thực hiện xác minh thông tin liên quan đến các dịch vụ trực tiếp với đơn vị cung cấp qua số điện thoại hoặc địa chỉ chính thức.
Bên cạnh đó, tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn được đối tượng lạ gửi đến. Người dùng cần đảm bảo rằng đang giao dịch với các đơn vị chính thức và uy tín; không chuyển tiền cho bất kỳ ai yêu cầu bạn thanh toán trước khi nhận hàng hoặc trước khi đăng ký dịch vụ; tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn được đối tượng lạ gửi đến.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.