Những cột mốc chủ quyền “sống” mà tôi đã được gặp khi theo đoàn công tác thứ 15 của Bộ Công Thương ra Trường Sa đầu tháng 6/2015 là những chiến sĩ hải quân đang bảo vệ đảo, những chiến sĩ công binh nước da đen nhẻm trần mình dưới nắng nóng xây dựng công sự, những chiến sĩ “gác” đèn biển bảo vệ cho các con tàu xuôi ngược trên biển Đông, những thày, cô giáo, những người dân, trẻ thơ… đang hiện diện trên các đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn mang những cái tên mộc mạc, bình dị: Đá Lớn, Sinh Tồn, An Bang, Sơn Ca, Đá Đông, Trường Sa Lớn, Đá Lát, Quế Đường... Bên cạnh những cột mốc chủ quyền “sống” đó, giữa vùng biển khơi của Trường Sa còn có những “tượng đài bất tử” của 64 liệt sĩ ở đảo Gạc Ma, những liệt sĩ ở nhà giàn DK1...
Quần đảo Trường Sa còn thấp thoáng những mái chùa cong cong, hình ảnh thân thuộc trong trái tim mỗi người dân Việt. Không chỉ góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa, những ngôi chùa còn là điểm tựa tinh thần của ngư dân trong những chuyến đánh bắt xa khơi, cũng như quân và dân trên đảo.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Vượng thăm các gia đình trên đảo Trường Sa lớn |
Những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa được tín đồ, đạo hữu cả nước chung tay gây dựng. Trong đó phải kể đến Giám đốc Nguyễn Văn Trường của Công ty Xuân Trường (Hoa Lư, Ninh Bình) góp công trùng tu xây dựng 6 ngôi chùa ở Trường Sa (chùa Trường Sa Lớn, chùa Sinh Tồn, chùa Nam Yết, chùa Sơn Ca, chùa Phan Vinh, chùa Song Tử Tây). Đêm trên đảo Trường Sa Lớn, trong tiếng hú hét của sóng biển văng vẳng tiếng chuông chùa vang đĩnh đạc giữa thinh không, góp lời khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc và Tổ quốc.
Trường Sa là mảnh đất hội tụ của lòng yêu nước, sự đoàn kết, không phân biệt tuổi tác, xu hướng chính trị, tôn giáo… mà chỉ tồn tại duy nhất “tình yêu Tổ quốc”. Ở đảo Đá Đông A, tôi gặp mẹ Nguyễn Thị Viễn, 81 tuổi, ở khu A3, Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội đi cùng với đoàn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra Trường Sa. Lụm cụm leo từng bậc cấp lên đảo, mẹ gặp chiến sĩ hải quân nào cũng ôm chầm lấy với nước mắt dàn dụa. Được một chiến sĩ hải quân tặng con ốc biển Trường Sa, mẹ cất giữ như của quý, mẹ nói: “Ra được đây rồi, thấy các con sống, ăn uống đàng hoàng như thế này, mẹ chết cũng không có gì tiếc nuối nữa”.
Không riêng mẹ Viễn, tôi gặp người cựu tù Côn Đảo, mẹ Đào Hồng Nhật- 82 tuổi, ở TP.Hồ Chí Minh, bạn tù của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Đây là lần thứ 2 mẹ ra Trường Sa sau 20 năm. Mẹ cũng khóc, nhưng là những giọt nước mắt vui mừng khi nơi ăn, chốn ở, điện, nước… của các chiến sĩ trên những đảo đá, nhà giàn đã tươm tất, tốt hơn xưa rất nhiều, thậm chí liên lạc với đất liền cũng luôn thông suốt...
Các thày giáo, sinh viên các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công Thương đi theo đoàn cảm nhận sâu sắc hơn, hiểu thấm thía hơn bài học yêu nước từng được nghe, được nói ở giảng đường… Đặc biệt, các nữ văn công Tuyên Quang biểu hiện tình cảm của mình qua những cái ôm thật chặt người lính đảo trên các nhà giàn với đôi mắt ngân ngấn nước.
Anh Nguyễn Hồng Kỳ- Chủ tịch Công đoàn Công ty điện lực Hưng Yên - xúc động nói với tôi: “Bên cạnh quân và dân ở Trường Sa, tôi còn xúc động hơn về các ngư dân đánh bắt xa bờ. Khi trên đất liền nghe chuyện đánh bắt của ngư dân thấy bình thường, nhưng khi ngồi trên tàu, vượt qua 2 ngày đêm để đến Trường Sa, mới cảm nhận hết sự nguy hiểm, gian lao mà ngư dân luôn đối mặt”. Trên con đường ra đảo, chúng tôi bắt gặp các tàu cá của ngư dân nhỏ bé như những chiếc lá dập dềnh giữa đại dương, vừa đánh bắt cá vừa chống trả với gió bão, đối phó với quân thù để bảo vệ chủ quyền đất nước... Thật kính phục!
Nói về tết ở Trường Sa, Đảo trưởng đảo chìm Đá Đông B, Đại úy Hồ Anh Tuấn ví von: “Đảo rập rờn chìm nổi những quả cân - cân người lính và hiểm nguy đời lính”. Ngày Tết ở đảo đã thành truyền thống, anh em cũng gói bánh chưng, bánh tét, cũng có thịt heo, dưa hành, nghe chúc tết của Chủ tịch nước qua truyền hình. Đêm giao thừa, anh em tổ chức hái hoa dân chủ, văn nghệ, kể chuyện... “trạng” để cùng cười với nhau. Chỉ thiếu chăng là không khí gia đình, mâm cơm cúng tổ tiên.
Với chúng tôi, qua hơn 10 ngày đến các đảo đá, nhà giàn ở quần đảo Trường Sa, vui cùng quân và dân trên các đảo Đá Đông, Đá Lát, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn… - nơi những cây bàng vuông giúp hòn đảo xanh um che chắn gió cát giữa biển khơi, nơi có tiếng chuông chùa ngân nga cùng gió biển, có tiếng ê a học bài của trẻ thơ, thậm chí có cả “khách sạn Thủ Đô” ở Trường Sa Lớn…, có rất nhiều điều cảm nhận và... khâm phục.
Chúng tôi trở về đất liền với niềm tin chắc chắn, Trường Sa là một phần máu thịt của Việt Nam. Bất cứ ai đã tới Trường Sa sẽ luôn nhớ mãi hình ảnh các chiến sĩ xếp hàng dài trên cầu cảng hô vang “Trường Sa vì cả nước” và chúng tôi cũng xúc động đáp lời “Cả nước vì Trường Sa”! |