Phát triển Khu công nghiệp sạch Kim Động: UBND tỉnh Hưng Yên có “cản bước” nhà đầu tư? |
Đề xuất này được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên nêu ra trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến về việc cho nhà đầu tư thực hiện dự án.
Mục tiêu của dự án là nhằm khôi phục Phố Hiến xưa mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa, chỉnh trang không gian văn hóa, cảnh quan...
Đáng chú ý trong hồ sơ xin đề xuất, dự án này sẽ phục dựng những ngôi nhà cổ của Việt Nam, những ngôi nhà do thương nhân 12 nước châu Á xây dựng như Xiêm, Lữ Tống, Mã Lai, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản…
Đồng thời, phục dựng sự hiện diện của các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan… để gợi nhớ về thương cảng Phố Hiến sầm uất nhất khi thương nhân quốc tế đến buôn bán.
Đồ án quy hoạch phục dựng Phố Hiến do doanh nghiệp của đại gia Xuân Trường đề xuất (ảnh Tuổi trẻ) |
Dự kiến, tổng diện tích đất cho đề án là 1.874,8ha, chủ yếu khai thác khu đất ngoài bãi sông Hồng, không sử dụng đất trồng lúa. Trong đó, khu quần thể Phố Hiến xưa có quy mô 511,3ha, để phục dựng khoảng 3.000 nhà cổ, trung tâm tâm linh tín ngưỡng, đình thờ tổ nghiệp trên mặt nước, trung tâm hội nghị, lễ hội cho doanh nhân…
Với tổng vốn đầu tư 25.000 tỉ đồng, cơ quan chức năng của Hưng Yên đánh giá dự án sẽ là điểm đến du lịch nổi tiếng tầm cỡ quốc gia, quốc tế, thu hút hàng triệu lượt tham quan mỗi năm.
Dự án sẽ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, thúc đẩy kinh tế, cũng như xây dựng và giữ gìn di sản cho các thế hệ sau, phù hợp với định hướng phát triển bền vững.
Tuy vậy, trong văn bản phản hồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên cần phải rà soát, đánh giá hiện trạng khu đất, căn cứ mục tiêu, quy mô của dự án để xác định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho phù hợp.
Một góc Phố Hiến xưa (ảnh báo Hưng Yên) |
Với nhiều nội dung của dự án liên quan đến văn hóa, hướng tới việc đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, bộ này cũng đề nghị địa phương trao đổi với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để được hướng dẫn lập đề xuất thực hiện dự án phù hợp với quy định về di sản văn hóa, đầu tư xây dựng công trình văn hóa.
Đối với hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay theo quy định, việc lựa chọn sẽ được tiến hành theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu hoặc chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật đầu tư.
Được biết, tại Hưng Yên, đây không phải là dự án đầu tiên được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên cho phép đề xuất thực hiện. Trước đó, ngày 20/5/2022, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cũng có văn bản đề nghị thực hiện dự án Văn phòng đại diện Trung tâm thương mại Phố Hiến cũng tại phường Hiến Nam, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Quy mô dự án được mô tả với các tiêu chí như: diện tích dự án khoảng 2.793m2. Trong đó có khoảng 60 gian hàng cho thuê, 150 văn phòng cho thuê, phòng nghỉ đón khoảng 40.000 lượt khách/năm…Tổng vốn đầu tư đăng ký là 500 tỷ đồng, bằng nguồn vốn tự có và vốn huy động hợp pháp của doanh nghiệp.
Đến ngày 30/5/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên đã có Văn bản số 1336/SKHĐT-DNKTTT&TN, xin ý kiến thẩm định đối với đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư Văn phòng đại diện và trung tâm thương mại Phố Hiến. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư: Tổ chức lựa chọn theo hình thức đấu giá. Đơn vị được đề xuất là Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường.
Đền Mẫu linh thiêng (Hoa Dương Linh Từ) hàng trăm năm nay vẫn nguyên vẹn vẻ đẹp trong 16 di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến (ảnh Báo Hưng Yên) |
Trong khi đó, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cũng là cái tên không còn mấy xa lạ khi đơn vị này trước đó cũng bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình xem xét, thu hồi 129,1ha đã cho thuê thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái vui chơi giải trí hồ Đồng Chương (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình). Đồng thời, tại Thái Nguyên, Hải Phòng doanh nghiệp cũng đã đề nghị xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc và biến đảo Cái Tráp (Hải Phòng) thành khu du lịch tâm linh lớn, tổng mức đầu tư của dự án lên tới gần 10.000 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng 450 ha nhưng đến nay dự án vẫn chưa được hoàn thành.
Trước đó, vào năm 2018, doanh nghiệp của đại gia Xuân Trường cũng đề xuất với UBND TP Hà Nội được xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn có quy mô khoảng 1.000 ha (bao quanh Chùa Hương và Suối Yến), với tổng mức đầu tư 15.000 tỷ đồng.