Kỳ 1: Trộm cắp điện hoành hành
Nhiều hộ dân treo công tơ trong nhà nên rất khó kiểm soát |
Dấu hiệu gia tăng
Theo đại diện Ban Giám sát, kiểm tra mua bán điện của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cho biết, trong năm 2014, lực lượng chức năng của các đơn vị trực thuộc đã kiểm tra phát hiện và lập 986 biên bản vi phạm trộm cắp điện, sản lượng điện bồi thường là 3,5 triệu kWh, trong đó đã xử lý được 912 vụ với lượng điện bồi thường trên 3 triệu kWh, tương đương 8,74 tỷ đồng. Các địa phương có vụ vi phạm nhiều nhất là Đồng Nai 260 vụ, TP. Cần Thơ 122 vụ và Cà Mau 102 vụ.
Các thủ đoạn ăn cắp điện phổ biến bao gồm tác động câu trực tiếp trước công tơ không qua hệ thống đo đếm; can thiệp trực tiếp vào bên trong công tơ làm sai lệch hệ thống đo đếm; dùng thiết bị bên ngoài như đảo sơ đồ đấu dây, dùng máy tạo dòng, dùng nam châm cực mạnh tác động đến hệ thống đo đếm… nhằm làm sai lệch điện năng tiêu thụ. Đơn cử, Công ty Điện lực (PC) Cần Thơ phát hiện khách hàng Nguyễn Thị Kim Thơ đã trộm cắp 12.441 kWh điện bằng cách khoan lỗ công tơ. PC Đồng Nai phát hiện ông Lê Văn Đồng đã phá chì kiểm định tác động vào công tơ làm sai lệch hệ thống đo đếm sau đó niêm lại bằng chì giả làm thất thoát 9.776 kWh...
Tình hình trộm cắp điện còn diễn ra ở nhiều địa phương khác trên cả nước và ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Tại Quảng Bình, 2 tháng đầu năm 2015, ngành điện đã xử lý 14 vụ trộm cắp điện, tương đương 12.469 kWh. Còn ở Nghệ An, trong 4 tháng năm 2015 cũng xảy ra 193 vụ trộm cắp điện, tương đương gần 1 tỷ đồng.
Diễn biến phức tạp
Tìm hiểu thực tế tại các công ty điện lực phía Nam cho thấy, tình trạng trộm cắp điện phổ biến nhất là phá chì kiểm định công tơ để điều chỉnh sai lệch hoặc thay thế bánh nhông truyền, sau đó niêm phong lại bằng chì giả giống như thật. Ngoài ra, nhiều đối tượng còn sử dụng nam châm điện đặt trên điện kế làm sai lệch chỉ số đo đếm nhưng khó phát hiện vì vật chứng dễ phi tang, nam châm được bán tự do trên thị trường.
Các chuyên gia ngành điện cho rằng, dù mỗi điện lực đều có bộ phận chuyên trách kiểm tra sử dụng điện, có đào tạo hướng dẫn về biện pháp phát hiện trộm cắp điện và trình tự xử lý theo quy định nhưng do địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, nhân lực mỏng nên việc phát hiện, xử lý những vi phạm không đơn giản.
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, hành vi gian lận, trộm cắp điện ngày càng tinh vi hơn và có diễn biến phức tạp. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị hữu quan với nhau; hình thức xử lý, chế tài xử phạt chưa mang tính răn đe, nhiều vụ trộm cắp điện có quy mô lớn nhưng chưa bị xử lý về hình sự. Chưa có ràng buộc hoặc quy định cụ thể về sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cấp xã/phường, quận/huyện với đoàn kiểm tra của công ty điện lực địa phương trong việc làm chứng, kiểm tra xử lý khách hàng trộm cắp điện. Bên cạnh đó, việc khởi tố các trường hợp trộm cắp điện gặp trở ngại trong khâu giám định tư pháp, định lượng điện năng trộm cắp điện nhằm xác định tính chất và mức độ vi phạm để xử lý hình sự.
Hành vi trộm cắp điện không chỉ gây khó khăn trong quản lý, kiểm soát tổn thất điện năng, thất thoát về tài chính, mất công bằng trong sử dụng điện mà còn gây mất trật tự an toàn xã hội. |
Kỳ 2: Tăng cường xử lý nghiêm minh