ASEAN ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng Thanh tra Văn hóa, Y tế sẽ có thêm thẩm quyền xử lý tin giả |
Tin giả, tin sai sự thật phá hoại ổn định, an ninh quốc gia
Tại Diễn đàn ASEAN về xử lý thông tin sai lệch diễn ra tại TP. Đà Nẵng ngày 19/9, đại diện các quốc gia ASEAN cho biết vấn nạn tin giả, tin sai sự thật không chỉ gây thiệt hại kinh tế, xã hội mà còn phá hoại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định an ninh quốc gia.
Các đại biểu tham gia Diễn đàn ASEAN về xử lý thông tin sai lệch cho biết tin giả, tin sai sự thật gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội |
Theo bà Tunku Latifah Tunku Ahmad - đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông Malaysia, vấn nạn tin giả, tin sai sự thật lan truyền tràn lan trên internet và các mạng xã hội là vấn đề cấp bách mà các chính phủ trên thế giới phải đối mặt hiện hay. Tại Malaysia, tin giả và thông tin sai lệch đã không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn ảnh hưởng gây chia rẽ đại đoàn kết quốc gia. “Còn có những tin tức giả mạo có thể kích động và tạo ra sự thù hận giữa các cộng đồng đa dạng ở Malaysia, có thể ảnh hưởng đến sự đoàn kết và ổn định quốc gia…”, bà Ahmad cho hay.
Đồng quan điểm, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia cho biết, tin giả, tin sai sự thật ảnh hưởng rất lớn khi gây xáo trộn xã hội. Các thông tin mạo danh với nội dung bị bóp méo và bịa đặt cũng gây mất lòng tin, gây sự lo lắng trong công chúng, thậm chí gây tổn hại, phá hoại sự ổn định, an ninh quốc gia. Nhiều thông tin giả, tin sai lệch trong số đó được thiết kế và phổ biến có chủ đích, mục đích.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, ASEAN đã có nhiều hành động để ứng phó với thông tin sai lệch, tin giả. Trong đó, nổi bật là đã đưa ra được Khuôn khổ và Tuyên bố chung về giảm thiểu các tác hại của tin giả (tại Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 14), hay đã phê duyệt đề xuất của Việt Nam về việc thành lập đội phản ứng của ASEAN về tin giả. Đây là những nền tảng để ASEAN tăng cường hợp tác, đề xuất các giải pháp khả thi giải quyết vấn đề này.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, các hoạt động chung về xử lý tin giả của ASEAN hiện mới chủ yếu tập trung vào chia sẻ các chính sách, kinh nghiệm giữa các cơ quan quản lý. “Đã đến lúc chúng ta đẩy mạnh hơn sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý truyền thông, những người đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường thông tin; giữa các cơ quan truyền thông tham gia truyền bá thông tin chính thống và chính xác, phát hiện, công bố và sửa chữa tin giả; giữa các cơ quan nghiên cứu như các tổ chức nghiên cứu độc lập, tổ chức xác minh và nhà cung cấp mạng xã hội để đối phó với thông tin sai lệch trong khu vực”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm nói.
Ông Izzad Zanman - Cán bộ cấp cao Văn hóa và Thông tin Ban Thư ký ASEAN cho rằng cần nâng cao nhận thức của người dân trong nhận biết và xử lý tin giả, tin sai sự thật |
Tăng trách nhiệm của các nền tảng trực tuyến
Theo đại diện đến từ các nước ASEAN, thời gian qua, Chính phủ các quốc gia đã vào cuộc và có nhiều chính sách để ứng phó, ngăn chặn, xử lý tình trạng tin giả, tin sai sự thật. Tuy nhiên, để giải quyết thách thức này, trong thời gian tới còn cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn từ khu vực tư nhân – những nền tảng trực tuyến, đặc biệt là mạng xã hội.
Ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cho biết, xử lý tin giả, tin sai sự thật ở Việt Nam đã từng bước được “luật hóa”. Năm 2013, Việt Nam đã ban hành nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Trong đó, đã quy định các hành vi bị cấm, hình thức xử lý khi đưa thông tin sai lệch, tin giả. Năm 2018, Việt Nam đã ban hành Luật An ninh mạng - cơ sở pháp lý cao nhất quy định đầy đủ, toàn diện để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội và an toàn thông tin trên không gian mạng. Năm 2023, Việt Nam đang tiếp tục sửa đổi, sung Nghị định 72 theo hướng sẽ tăng trách nhiệm của mạng xã hội và bảo vệ người dùng trên không gian mạng.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Việt Nam đã triển khai 4 hành động để ứng phó với tin giả, tin sai sự thật, đó là: Có khuôn khổ pháp lý đủ mạnh; giám sát trực tuyến thông tin, phát hiện và xử lý thông tin sai lệch; sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và các nền tảng mạng xã hội (nhất là các nền tảng xuyên biên giới); nhận thức của cộng đồng về nâng cao khả năng chống chịu của xã hội trước những mối đe dọa mà thông tin sai lệch đặt ra.
Ông Izzad Zanman - Cán bộ cấp cao Văn hóa và Thông tin Ban Thư ký ASEAN - khuyến nghị, để chống tin giả, ASEAN ngoài những hợp tuyên bố chung giữa các nhà quản lý còn thành lập được đội phản ứng của ASEAN về tin giả theo ý tưởng đề xuất từ phía Việt Nam. Vấn đề quan trọng nhất để ứng phó với tin giả, tin sai sự thật đó là cần khung hướng dẫn để quản lý thông tin. Để làm được điều này cần huy động sự chung tay của các nước thành viên ASEAN, các nền tảng trực tuyến. Không chỉ vậy, người dân phải được nâng cao nhận thức trong phát hiện tin giả, ứng phó với tin giả.
Chia sẻ các đề xuất giải pháp để các bên liên quan trong ASEAN ưu tiên, phối hợp ứng phó với vấn đề tin giả, tin sai lệch, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm cho rằng cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của tin giả, tin sai lệch cùng với cách nhận biết, xác minh, báo cáo và chống lại tin giả. Cùng với đó, tăng cường hiệu quả hoạt động của các kênh thông tin chính thức, chính thống; ứng dụng khoa học - công nghệ để quét, phát hiện và xử lý tin giả, tin sai sự thật. Thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ, chặt chẽ hơn giữa các quốc gia thành viên ASEAN với các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội – những phương tiện chính truyền có lượng lan truyền tin tức giả lớn nhất, và trí tuệ nhân tạo (AI) để chống lại tin sai lệch. Cuối cùng là các quốc gia thành viên tiếp tục hoàn thiện chính sách về chống tin giả; cập nhật chính sách giữa các nước thành viên và các bên liên quan để giải quyết thách thức chung về vấn đề tin giả một cách hiệu quả.