Nọc kiến ba khoang độc hơn rắn hổ Người phụ nữ bị biến dạng mặt do dùng ‘axit trị nám’ ngoài chợ |
Những ngày qua, thời tiết tại Hà Nội có diễn biến thay đổi bất thường. Không ít bệnh nhân đến các cơ sở y tế để khám và nhập viện điều trị các bệnh về da liễu. Trong đó, có nguyên nhân do viêm da tiếp xúc và có triệu chứng tổn thương nặng, nghi do kiến ba khoang cắn.
Theo các chuyên gia y tế, thời tiết thay đổi sẽ tạo điều thuận lợi cho côn trùng như muỗi, các loại kiến, đặc biệt là kiến ba khoang phát triển. Vết thương do loại côn trùng này cắn là những ban đỏ rồi sưng thành mụn mủ có điểm lõm màu trắng vàng ở giữa hoặc tạo thành vệt dài và thường xuất hiện ở các vùng da hở trên cơ thể như mặt, cổ, tay là những nơi dễ tiếp xúc.
Cũng chính vì đặc điểm đó, nhiều người dễ nhầm lẫn vết cắn của kiến ba khoang với bệnh zona hoặc viêm da thông thường nên tự ý bôi thuốc, đắp các loại lá cây không theo chỉ dẫn của bác sỹ chuyên khoa khiến cho vết thương dễ bị nhiễm trùng, bội nhiễm.
Chị Nguyễn Thị Vân (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Con nhà tôi mới được 20 tháng tuổi. Mấy ngày trước, tôi thấy châu có vết đỏ rồi hơi rộp da phía sau cổ. Ban đầu tôi nghĩ châu bị zona, nên lấy hồ nước bôi, thế nhưng sau đó một người bạn làm bác sĩ đến chơi và bảo đưa cháu đi khám. Sau khi bác sĩ thăm khám xong, tôi mới biết cháu bị kiến ba khoang đốt”.
Người dân cần cảnh giác kiến ba khoang đốt khi thời tiết thay đổi |
Theo Cục Y Tế dự phòng (Bộ Y tế), trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ, nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp bị kiến ba khoang đốt và phải nhập viện điều trị trong tình trạng tổn thương nặng. Nói như thế để thấy mức độ nguy hiểm khi bị kiến ba khoang đốt. Chính vì vậy, nhiều người dân đặc biệt là các phụ huynh có trẻ nhỏ quan tâm vấn đề xử trí như thế nào khi bị kiến ba khoang đốt?
Một chuyên gia y tế dự phòng cho biết, khi người dân khi bị côn trùng cắn, đặc biệt là kiến ba khoang thì không được đập chết trên da, mà nên thổi chúng đi để tránh chất độc lan rộng. Đồng thời, rửa vết cắn với xà phòng hoặc nước muối sinh lý.
Nếu có dấu hiệu phồng rộp, sưng tấy thì nên đi khám bác sỹ chuyên khoa để được khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc không được chỉ định để tránh tình trạng bội nhiễm khiến quá trình điều trị kéo dài, để lại sẹo mất thẩm mỹ.
Trong trường hợp bị kiến ba khoang cắn vào mắt, việc đầu tiên, bạn cần dùng tăm bông hoặc dụng cụ y tế gấp từ từ kiến ba khoang ra khỏi mắt. Lúc này, bạn cần thao tác nhẹ nhàng tránh bóp, vỗ mạnh kiến ba khoang. Bởi vì, việc này khiến nọc độc trong vòi đi sâu vào mắt. Sau đó, cần rửa vết cắn dưới vòi nước sạch, hoặc dùng tăm bông nhúng vào nước sạch rồi lau nhẹ nhàng vào vết cắn.
“Sau khi làm sạch vết thương, thì tốt nhất người bị kiến ba khoang đốt nên đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị để hạn chế tối đa những thương tổn về mắt”, vị chuyên gia này đưa ra khuyến cáo.
Còn đối với trẻ khi bị kiến ba khoang cắn, các bậc phụ huynh nên rửa vết cắn dưới vòi nước sạch, rồi đưa bé ngay đến với bác sĩ để điều trị. Nếu tổn thương nhẹ thì có thể bôi thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng nặng thì cần bôi thuốc đặc trị và uống kháng sinh để phòng bội nhiễm.
Cũng theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để phòng tránh bị kiến ba khoang đốt, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng tránh như mang đầy đủ đồ bảo hộ khi lao động, buông màn khi ngủ, giữ gìn vệ sinh không gian sống, phun hóa chất diệt côn trùng. Đặc biệt, vào buổi tối không nên mở hết các cửa và bật đèn quá sáng để tránh thu hút côn trùng bay vào nhà.