Hiệu quả từ dự án xử lý chất thải công nghiệp |
Ngành dệt may Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cùng với những lợi ích lớn về kinh tế. Tuy nhiên, bài toán xử lý chất thải công nghiệp, chủ yếu là rác thải vải, từ các xưởng dệt may vẫn chỉ dừng lại ở việc thu gom, chôn lấp.
Khó tái chế vì không được phân loại
Chia sẻ tại Hội thảo tập huấn “Những điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 liên quan đến ngành dệt may, da giày” do Trung tâm Giáo dục và Phát triển tổ chức theo hình thức trực tuyến mới đây, bà Lê Kim - Giám đốc điều hành CL2B Công ty Tư vấn chiến lược Kinh tế tuần hoàn - cho biết: Khảo sát tại 30 nhà máy may tại Việt Nam cho thấy, vải vụn là nguyên liệu thải lớn nhất trong công đoạn cắt may. Các nhà máy may có tỷ lệ vải vụn tại bàn cắt từ 7 - 35%, phụ thuộc vào loại sản phẩm và hiệu suất bàn cắt. Có 863,159 kg vải vụn thải ra mỗi tháng, chủ yếu là cotton, 100% polyster. Phần lớn nhà máy không biết nên phân loại như thế nào.
Rác thải vải vụn được tái chế |
Hiện, các nước có công nghiệp thời trang lớn trên thế giới đã thử nghiệm và triển khai nhằm tối ưu hóa quản lý chất lượng nguồn vải vụn. Việt Nam - nền công nghiệp dệt may lớn thứ 2 thế giới - đã có những bước khởi động. Tuy nhiên, số lượng, chất lượng và thành phần vải vụn chưa được thống kê hiệu quả, dẫn đến việc đánh giá tiền khả thi để thu hút các nhà đầu tư công nghệ tái chế vào Việt Nam, cùng tạo ra giá trị cho dòng thải này bị trì hoãn.
Việc kêu gọi hợp tác sẽ tăng hiệu quả phân loại vải vụn, minh bạch và truy xuất được dữ liệu nguồn thải nhằm thu hút đầu tư đơn vị tái chế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tạo ra nguồn nguyên liệu thứ cấp nội địa cho doanh nghiệp dệt may. Tuy nhiên, “với số liệu không chi tiết, rõ ràng về chất lượng và thành phần vải vụn, việc đưa ra chuỗi công nghệ phù hợp để tái chế, sản xuất sản phẩm chất lượng cao là không thể” - bà Lê Kim khẳng định.
Xây dựng dữ liệu rác thải
Hiện, CL2B phối hợp với Reserve Resources - nền tảng theo dõi và quản lý chất thải dệt may phổ biến nhất thế giới - triển khai Dự án Tuần hoàn rác thải vải trong ngành công nghiệp dệt may Việt Nam. Trước mắt, sẽ xây dựng dữ liệu rác thải và tối ưu hóa phân loại rác tại nguồn nhằm thúc đẩy, thu hút công nghệ tái chế vải vụn trong công nghiệp dệt may, hướng đến tham vọng tuần hoàn ngành dệt và tạo nên một nguồn nguyên liệu thứ cấp nội địa.
Dự án đã kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan trong ngành dệt may cùng hợp tác, tập trung chủ yếu vào vải vụn trong công đoạn cắt, hình thành dựa trên những cam kết giữa các nhãn hàng và nhà sản xuất. Về mục tiêu, dự án sẽ thiết lập một mạng lưới tái chế, hướng đến giảm thiểu tác động môi trường của ngành công nghiệp, tạo sự minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng và hình thành ngành công nghiệp thời trang bền vững tại Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu, Reserve Resources cam kết cung cấp một nền tảng theo dõi và quản lý nguồn chất thải dệt may. Nền tảng này sẽ giúp cho chuỗi cung ứng của dòng thải vải đến các nhà tái chế của nhà máy hiệu quả hơn, rút ngắn giai đoạn, chi phí trung gian và theo dõi đường đi cụ thể của nguồn thải vải. CL2B - đơn vị quản lý và vận hành dự án - sẽ liên kết các nhà sản xuất trong ngành công nghiệp dệt may trong nước, hình thành mạng lưới tái chế mới trong ngành công nghiệp dệt may, hướng đến xây dựng ngành công nghiệp bền vững.
Với mong muốn đưa ít nhất 25 nhà máy trong ngành công nghiệp dệt may tại Việt Nam vào thực hiện dự án, CL2B và Reserve Resources hy vọng thu gom được nhiều nhất 250 tấn vải vụn/tháng. Dự án cũng sẽ thực hiện việc thử nghiệm 500kg rác thải vải thành sợi vải tái chế, nhằm thử nghiệm, đánh giá kỹ thuật và chất lượng sợi tái chế trong từng công đoạn. |