Hà Nội: Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa Thu gom, xử lý rác thải nhựa: Tiên phong thực hiện mục tiêu kép |
Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp Hội Nhựa Việt Nam (VPA) - cho hay, sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong ngành có nhiều cơ hội phát triển cũng như thách thức đan xen. Về mặt thuận lợi, thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản… ngày càng tăng đơn hàng nhập khẩu từ nhà cung ứng Việt Nam. Bên cạnh đó, đầu tư của doanh nghiệp sản xuất chế tạo nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng, là cơ hội tốt cho doanh nghiệp nhựa tiêu thụ sản phẩm.
Với sự gia tăng đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI, dự báo xuất khẩu sản phẩm nhựa và nguyên liệu nhựa sẽ sớm cán mốc 10 tỷ USD trong thời gian tới.
Mặc dù có những dự báo thuận lợi, song doanh nghiệp ngành nhựa cũng đang đối diện với nhiều thách thức về giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất tăng cao từ 10- 30% từ đầu năm 2022 đến nay, cũng như cạnh tranh với doanh nghiệp cùng ngành của nước ngoài. Khách hàng lớn của ngành nhựa nhất là giày dép, thời trang… trên thế giới ngày càng đặt ra yêu cầu khắt khe về sản xuất bền vững, an sinh xã hội, sử dụng nguyên vật liệu tái chế với nhà cung ứng, đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất nhựa trong nước phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này.
Theo ông Hồ Đức Lam, để đáp ứng nhu cầu phát triển, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư công nghệ nhằm đáp ứng tiêu chuẩn và xu hướng phát triển xanh hóa ngành nhựa.
Về giải pháp công nghệ, ông Nguyễn Như Khuê - Tổng giám đốc Công ty Công nghệ hóa nhựa Bông Sen - chia sẻ, công nghệ tái chế nhựa đã tiến lên mức hoàn thiện, cùng lúc có thể tách mực in, phân loại màu, khử mùi, tẩy rửa… cho ra nguyên liệu nhựa trắng, nhựa màu. Cơ hội để các doanh nghiệp nhựa Việt Nam tiếp cận công nghệ là ở các cuộc triển lãm lớn.
Đáng chú ý, hiện nay các doanh nghiệp tái chế nhựa Việt Nam phải chi khoảng 700 USD/tấn rác thải nhựa, trong khi tại châu Âu, doanh nghiệp tái sinh nhựa được hỗ trợ hàng trăm USD/tấn rác thải nhựa. Do đó, để góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trong ngành nhựa hoạt động, VPA sẽ đẩy nhanh thành lập trung tâm thu gom, tái chế rác thải nhựa, thông qua nguồn tài trợ của các tập đoàn đa quốc gia có quan hệ hợp tác với VPA. Ngoài ra, tới đây VPA đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về rác thải nhựa, cùng các giải pháp xử lý rác thải nhựa thân thiện môi trường,