Cần có thêm ngân sách để xử lý nợ xấu |
Khó mua bán nợ theo giá thị trường
Theo VAMC, tính đến ngày 13/9/2016, công ty đã mua 421 khoản nợ của 314 khách hàng với số tiền 12.238 tỷ đồng. Bên cạnh mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC tổ chức phân loại khách hàng để đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ, từ đó xây dựng phương án xử lý nợ đối với từng khoản. Cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa VAMC và các tổ chức tín dụng (TCTD), từ đầu năm đến nay, VAMC thu hồi được 12.520 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo VAMC, công ty đang gặp rất nhiều rào cản trong quá trình xử lý nợ xấu như thiếu hành lang pháp lý trong việc mua bán nợ theo giá thị trường. Đơn cử như việc TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro khi nhận trái phiếu đặc biệt của VAMC khi bán nợ với số tiền ít nhất 80-90% khoản nợ đó, thậm chí phải trích hết 100%. Điều này là rất khó, liệu TCTD có đủ khả năng tài chính để trích lập? Hoặc yêu cầu TCTD xác định bán nợ theo giá thị trường bảo đảm ít nhất bằng giá nợ gốc cũng không hề dễ dàng. Đặc biệt, khi VAMC mua nợ theo giá thị trường thì phải bán theo giá thị trường nhưng hiện nay thị trường mua bán nợ chưa có nên doanh nghiệp cũng rất thận trọng trong mua nợ xấu, hạn chế tối đa việc bán nợ dưới giá vốn. “Việc VAMC mua nợ và TCTD bán nợ theo giá thị trường bằng giá gốc đang là vấn đề cốt lõi gây khó khăn trong việc mua bán nợ theo giá thị trường” - đại diện VAMC chia sẻ.
Có nên dùng ngân sách để xử lý nợ xấu?
Trong dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo đang lấy ý kiến các bộ, ngành, vấn đề nợ xấu đã được đề cập trực diện bằng đề xuất dùng ngân sách nhà nước (NSNN) để xử lý nợ xấu.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright trong một hội thảo kinh tế vừa được tổ chức - nêu quan điểm: Dùng nguồn lực nhà nước để thúc đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu là cần thiết. Ông Thành cho rằng, hiện Việt Nam đang đối mặt với thách thức ngắn hạn là tình trạng ngành ngân hàng hoạt động không hiệu quả và nợ xấu. Trong 5 năm qua, các báo cáo công bố đều cho thấy tỷ lệ nợ xấu giảm mỗi năm, nhưng thực tế lại cao hơn nhiều, nếu tính cả số nợ xấu được chuyển sang VAMC và nợ xấu giấu trong các hạng mục tài sản có khác của ngân hàng.
Nguồn lực mà nhà nước có thể dùng để xử lý một phần nợ xấu, theo ông Thành, có thể đến từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn khỏi các công ty lớn như Vinamilk, Sabeco.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - nhận định: Đề xuất dùng ngân sách xử lý nợ xấu là một phương án rất khả thi, tuy nhiên, phải có phương án rõ ràng.
Đồng quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính - cũng cho rằng, cần có thêm ngân sách xử lý nợ xấu để VAMC mua bán nợ theo cơ chế thị trường. Ngoài ra, thị trường mua bán nợ cũng cần sớm được hình thành với những hành lang pháp lý rõ ràng để thu hút các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân.
Theo tính toán của các chuyên gia, số tiền ngân sách cần để xử lý nợ xấu vào khoảng 5.000 đến 10.000 tỷ đồng. Đây được xem là “vốn mồi” để VAMC mua nợ xấu với giá thị trường, sau đó quay vòng vốn. |