Câu like, trục lợi từ vụ lộ clip nhân viên mặc áo ngân hàng là không thể chấp nhận Theanh28 và nhiều ''Idol TikTok'' lợi dụng clip nhạy cảm để ''câu like bẩn'' |
Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) để hiểu hơn vấn đề này.
Phóng viên (PV): Thời gian qua, mạng xã hội xuất hiện nhiều tình trạng các đối tượng sử dụng nhiều hình ảnh, video nhạy cảm, thông tin sai sự thật, thậm chí cắt ghép hình ảnh, video nhằm câu like, câu view... để bán hàng, trục lợi. Mỗi bài đăng, dòng trạng thái đã nhận hàng trăm lượt xem, hàng nghìn lượt tương tác, có nguy cơ gây hệ luỵ xấu cho xã hội. Ở góc độ pháp luật, luật sư đánh giá như thế nào về tình trạng này?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Hiện nay, cùng với sự phát triển và bùng nổ của công nghệ thông tin, các thông tin, các video được chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội một cách nhanh chóng. Lợi dụng điều này, nhiều người đã không ngần ngại thực hiện các hành vi chỉnh sửa, cắt ghép hoặc đưa các thông tin sai sự thật lên các nền tảng mạng xã hội với mục đích câu view, tăng tương tác, gây tác động và ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiếp cận thông tin của người xem cũng như những cá nhân liên quan.
Đơn cử như vừa qua mạng xã hội "nóng" câu chuyện lộ clip nhạy cảm của một cô gái được cho là nhân viên của một ngân hàng. Chưa rõ thực hư câu chuyện liên quan đến đoạn video này, tuy nhiên nhiều người đã truyền tay nhau đăng tải chóng mặt. Việc đăng tải các video như vậy là vi phạm pháp luật.
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội |
Việc phát tán clip nhạy cảm là hành vi rất nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sự lành mạnh của văn hóa xã hội, đồng thời xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân tạo thành một hiện tượng xấu của mạng xã hội.
Không chỉ vậy, việc đăng tải thông tin, clip còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh của ngân hàng liên quan trong câu chuyện khiến ngân hàng phải vào cuộc xác minh, đính chính lại câu chuyện sai sự thật trên.
Bên cạnh đó, lợi dụng tâm lý hiếu kỳ của cộng đồng mạng, nhiều đối tượng đã để lại những đường link câu view, câu like, link web bán hàng hay thậm chí cả những link lừa đảo... nếu tình trạng này còn kéo dài và không có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền thì có thể dẫn đến các hệ lụy rất nặng nề về sau.
PV: Vậy thưa luật sư, các quy định, nghị định xử lý đối với hành vi truyền thông câu like, câu view ‘bẩn’ trên không gian mạng hiện nay như thế nào?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Hệ thống pháp luật nước ta hiện nay cũng đã quy định chế tài xử phạt liên quan đến các vấn đề phát tán thông tin nhằm câu view "bẩn", bất chấp đạo đức, pháp luật. Luật An ninh mạng cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang cộng đồng, thiệt hại xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Người có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Fanpage Lão Phật Gia đăng tải về nữ nhân viên ngân hàng câu kéo con bạc. Ảnh chụp màn hình |
Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số, vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, thì những đối tượng có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài ra những người đăng tải thông tin còn bị buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật. Nếu như trong quá trình đăng tải dẫn đến gây thiệt hại tới quyền và lợi ích của người khác thì họ còn phải đền bù thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 cho người bị thiệt hại.
Người đăng tải thông tin sai sự thật, cắt ghép ảnh người khác đăng lên mạng xã hội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu việc đăng thông tin, dựng video, cắt ghép sử dụng ảnh đó có mức độ, tính chất vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, cá nhân phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo đến cao nhất là 5 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, chế tài áp dụng hiện chưa đủ sức răn đe, một bộ phận có dấu hiệu "nhờn luật". Quan điểm của luật sư như thế nào về vấn đề này?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Hiện nay, các cơ quan ban ngành cũng đã có những chế tài xử lý những đối tượng có hành vi đăng tải truyền bá thông tin nội dung phản cảm, câu view…. Tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp bị cơ quan chức năng xử lý rồi vẫn tiếp tục tái diễn vì mức xử phạt nhẹ hơn so với số tiền kiếm được nhờ câu view; thậm chí có trường hợp không bị xử lý bởi pháp luật chưa có quy định chi tiết để xử phạt.
Sự phát triển bùng nổ của Internet toàn cầu đang là thách thức lớn với nỗ lực quản lý thông tin, khiến thế giới ảo trở nên gần gũi hơn, nhưng cũng tác động nguy hiểm hơn với cuộc sống thường nhật.
Thực tế, hiện chế tài các quy định, nghị định xử phạt đã có, song, một phần do sự buông lỏng quản lý, chưa thanh tra, kiểm soát quyết liệt dẫn đến tình trạng này ngày một gia tăng, nhiều đối tượng bất chấp pháp luật.
Tài khoản mạng xã hội Tiktok Theanh28 "câu view" từ sự cố của người khác. Ảnh chụp màn hình |
Do đó, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật với các chế tài cụ thể, tăng cường vai trò từ phía cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt trong việc giám sát chặt chẽ với các nội dung liên quan để xử lý, chấn chỉnh kịp thời.
Việc kiên quyết xử lý tình trạng câu view, câu like trên các nền tảng mạng xã hội sẽ góp phần tạo một không gian mạng lành mạnh, an toàn.
Bên cạnh vai trò, trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng, các bậc cha mẹ cũng cần phải theo dõi quan sát các con khi sử dụng mạng xã hội; cân nhắc trước khi đăng tải các thông tin trên mạng xã hội.
Để tránh vi phạm pháp luật, người dân khi đăng tải trên mạng xã hội cần hết sức lưu ý thông tin chính thống đã được kiểm chứng đúng sự thật, phù hợp với những quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Tránh việc đăng tải với mục đích câu view, câu like, tăng tương tác, lượt theo dõi trên các mạng xã hội để trục lợi, bôi nhọ, làm xấu hình ảnh người khác.
Xin cảm ơn ông!