Hạn chế trong xử lý
Phát biểu tại hội thảo "Quản lý nhà nước về chất thải rắn", diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân thừa nhận, mặc dù tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt tăng hàng năm, nhưng do lượng CTR phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, cùng với ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom vẫn chưa đạt yêu cầu.
Ước tính, tổng lượng CTR thải ra môi trường hàng năm khoảng 13 triệu tấn, trong khi đó, tỷ lệ thu gom mới đạt 85% ở khu vực đô thị và 45% ở khu vực nông thôn; đặc biệt, trong số đó, chỉ có khoảng 10% được tái chế, còn lại hầu hết xử lý bằng phương pháp chôn lấp…
Việc quản lý chất thải rắn còn nhiều bất cập |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, tại nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, rác thải được thải trực tiếp ra ao, hồ, sông, suối, ruộng đồng hoặc tập trung tại các bãi rác tự phát… Bên cạnh đó, việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt vẫn gặp khó khăn, do việc quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải ở xa khu dân cư, làm tăng chi phí vận chuyển từ điểm trung chuyển đến bãi chôn lấp chất thải... Mặt khác, công tác xử lý chất thải rắn hiện chưa thực sự chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng, dẫn đến khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp cao, gây lãng phí tài nguyên, quỹ đất, ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường…
Đồng bộ văn bản pháp luật
Thời gian qua, việc phân công quản lý từng công đoạn cho các bộ, ngành khác nhau, thiếu thống nhất từ trung ương đến địa phương khiến cho việc quản lý CTR còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên nhiều địa phương.
Chính vì vậy, tại Phiên họp thường kỳ ngày 3/2/2019, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 09/NQ-CP giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về CTR; giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn.
Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất với chủ trương của Chính phủ về việc giao đầu mối thống nhất quản lý về CTR cho ngành TN&MT. Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An cho rằng, Sở TN&MT có hệ thống các phòng, ban, đặc biệt có Chi cục Bảo vệ môi trường là đơn vị chuyên trách về môi trường. Do vậy, việc giao thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về Sở TN&MT đảm bảo quản lý tốt về CTR và môi trường trên địa bàn.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị, Bộ TN&MT sớm ban hành các thông tư hướng dẫn một cách đồng bộ; bổ sung, hoàn thiện các nội dung hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định về lĩnh vực môi trường; cần sửa đổi Luật bảo vệ môi trường, đảm bảo thống nhất với các luật thuộc lĩnh vực xây dựng, đấu thầu, thực hiện sửa đổi chức năng của các bộ, cơ quan ngang bộ để đảm bảo thống nhất quản lý, tránh chồng chéo như hiện nay.
Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ chỉ đạo Tổng cục Môi trường nhanh chóng phối hợp với Sở TN&MT các tỉnh, thành phố triển khai các đoàn kiểm tra, đánh giá công tác quản lý CTR trên phạm vi toàn quốc, từ đó có cơ sở đưa ra những định hướng trong công tác quản lý CTR. |