Kế thừa kết quả của nhiệm kỳ trước, đặc biệt từ năm 2021, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số dự án trì trệ đã có bước chuyển biến tích cực, có dự án đã hoạt động và kinh doanh có lợi nhuận.
Tiêu biểu là nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sau 11 năm "đóng băng" đã tổ chức đốt lửa lần đầu tổ máy số 1 ngày 23/3 vừa qua, hướng tới mục tiêu hòa lưới điện vào ngày 30/4 và đốt than lần đầu tổ máy 1 vào ngày 16/6 tới đây. Là đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cá nhân tôi và cử tri Thái Bình rất hoan nghênh việc đưa vào vận hành Nhà máy này.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Uỷ ban kinh tế của Quốc hội |
Bên cạnh đó, sau hơn 3 năm triển khai Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương (Đề án 1468), ngày 4/11/2021, Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án trên thống nhất đưa 5 dự án ra khỏi danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.
Những kết quả này có được từ sự chỉ đạo rất quyết liệt, tích cực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế và tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm. Với việc xử lý các dự án lần này, cá nhân tôi đánh giá cao 2 điểm, đó là xử lý tích cực và xử lý có kết quả.
Cụ thể, Chính phủ và các Bộ, ngành đã đi đúng hướng theo nguyên tắc cá thể hóa từng dự án, trên tinh thần không có phương án tuyệt đối tốt, mà chỉ có phương án tối ưu, làm sao để xử lý với mức thiệt hại thấp nhất cho Nhà nước, đem lại hiệu quả tốt nhất có thể. Trong đó, dựa trên đánh giá từng dự án để có phương án tối ưu cụ thể cho mỗi dự án. Quá trình xử lý cũng dựa trên sự vận hành của thị trường, hạn chế tối đa sự can thiệp thô bạo của Nhà nước.
Rất mừng vì với việc thống nhất nguyên tắc này, chúng ta đã có cách tiếp cận đặt lợi ích của Nhà nước lên cao nhất, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất.
Thực tế, chúng ta không thể phá vỡ được các nguyên tắc của quản trị doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp hay Luật Đầu tư và sử dụng vốn của doanh nghiệp. Khi xử lý các dự án cần tính toán các lợi ích, cơ cấu lại chính bản thân dự án, tiết giảm các chi phí để nâng cao hiệu quả. Thậm chí tính đến cả phương án như phá sản, thu hồi tài sản, cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với thị trường. Ngoài ra, tính đến cả dài hạn, ngay cả khi sau khi chúng ta khôi phục ở một giai đoạn nhất định thì chúng ta có thể tạo điều kiện thoái vốn hoàn toàn ra khỏi các dự án. Tôi nhất trí rất cao cách tiếp cận tối ưu hoá lợi ích theo cả chiều xuôi và chiều ngược, tính đến từng lợi ích cụ thể, giao trách nhiệm cho từng bên có liên quan.
Với các dự án yếu kém còn lại, chặng đường phía trước còn rất nhiều thách thức (cả khối lượng và tính chất công việc). Nhất là trong việc gắn kết quả dự án với điều kiện phát triển thị trường, hướng dẫn doanh nghiệp về pháp lý trong việc xử lý tranh chấp hợp đồng EPC, hay giải quyết khó khăn về tài chính…
Tuy nhiên, Chính phủ đã có lộ trình rất cụ thể cho nội dung này. Theo đó, sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm – tìm đáp án cho bài toán lợi ích, chi phí. Dự án nào thực sự không cần thiết thì chấm dứt sớm, giảm thiệt hại giảm cho đất nước. Dự án nào buộc phải có, phải bỏ thêm chi phí thay vì xây một nhà máy mới - vì lợi ích quốc gia trong trường hợp này lớn hơn rất nhiều.
Đặc biệt, việc phân định quyền, trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ có liên quan đến dự án rất quan trọng và cần được bảo vệ bằng pháp luật để tạo ra sự trách nhiệm, yên tâm, hiệu quả. Không thể để tình trạng, giai đoạn trước một người làm sai, giai đoạn sau người khác làm lại phải chịu trách nhiệm cả quá trình.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Uỷ ban kinh tế của Quốc hội