Xử lý các dự án yếu kém: Chọn tối ưu thay vì tối đa!
Tin hoạt động 05/04/2022 13:21
5/12 dự án ra khỏi "danh sách đen"
Trao đổi tại cuộc toạ đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 5/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An - cho biết: 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả bắt đầu từ rất lâu, có những dự án được chuẩn bị từ năm 2005-2009.
Nguyên nhân dẫn tới việc chậm tiến độ, kém hiệu quả của các dự án cũng rất đa dạng: Bên cạnh tổng mức đầu tư tăng lên, chi phí vay vốn cao, còn có những vấn đề liên quan đến tranh chấp hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu; biến động của thị trường (cụ thể như với dự án về phân bón và nhiên liệu sinh học)…
Để giải quyết những tồn tại của 12 dự án này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 33 (năm 2006), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao và quyết liệt, với 20 cuộc họp chỉ đạo cùng các Bộ, ban ngành, doanh nghiệp (DN), các tổ chức tín dụng. Trong đó, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là: Giải quyết quyết liệt và dứt điểm. Chọn cái gì làm được làm ngay, bán sát thị trường, thực tiễn, khung khuôn khổ chúng ta đang có. Có giải pháp tình thế, cấp bách, có giải pháp bền vững, dài hạn.
Các đại biểu tham dự toạ đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo” |
Theo đó, với vai trò, trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương đã rà soát các dự án và báo cáo với Chính phủ lập Ban Chỉ đạo để xử lý các dự án này. Ban Chỉ đạo do 1 đồng chí Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó Trưởng ban Thường trực (năm 2019, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đảm nhiệm công việc này). Trong vai trò Trưởng ban Thường trực, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tham mưu với Thủ tướng, với Ban Chỉ đạo ban hành kế hoạch hành động thực hiện đề án và Chính phủ đã có Quyết định 1468 phê duyệt Đề án, sau đó ban hành Quyết định 4269 về kế hoạch hành động.
Đến nay, những vấn đề liên quan tới chính sách, cơ chế của một số dự án đã căn bản được tháo gỡ và đây cũng là cơ sở để 5 dự án đã khắc phục được thua lỗ, thậm chí có lãi được đưa ra khỏi danh mục các dự án nhóm này. Bao gồm: DAP-1 Hải Phòng; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ.
Có được kết quả này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – cho rằng: Chính phủ và các Bộ, ngành đã đi đúng hướng theo nguyên tắc cá thể hóa từng dự án, trên tinh thần không có phương án tuyệt đối tốt, chỉ có phương án tối ưu, để thiệt hại ít nhất, hiệu quả mang lại tốt nhất có thể. Trong đó, dựa trên đánh giá từng dự án để có phương án tối ưu cụ thể cho mỗi dự án. Quá trình xử lý cũng dựa trên sự vận hành của thị trường, hạn chế tối đa sự can thiệp thô bạo của Nhà nước. Không chỉ xử lý mà cơ cấu lại chính hoạt động của DN, tính tới các sản phẩm phù hợp…
Cụ thể hơn, ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - thông tin: Các dự án không còn khả năng khắc phục vì các lý do như sản phẩm đưa ra không còn thị trường, không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu thì xử lý tài chính, cơ cấu vốn… giải pháp cuối cùng là phá sản. Đơn cử như với Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ . Dự án này được xử lý theo hướng mới, là cơ hội mở ra cho DN để lựa chọn các nhà đầu tư mới nhằm thích ứng với thị trường hiện nay, tạo đà phát triển mới cho DN.
Đặt "đồng hồ đếm ngược" cho tất cả các dự án
Sau 5 dự án ra khỏi nhóm dự án chậm tiến độ, thua lỗ, hiện 7 dự án còn lại vẫn đang phải đối mặt với những tồn tại như: vướng mắc về hợp đồng nhà thầu trọn gói - EPC (có sự tranh chấp giữa chủ đầu tư, nhà thầu về khối lượng, chủng loại thiết bị, chính sách thuế), chi phí tài chính quá cao… dẫn đến việc DN khó hoàn thiện dây chuyền sản xuất, không thể cạnh trạnh được trên 1 mặt bằng với các DN khác.
Để giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất về vốn và tài sản của Nhà nước và các chủ thể liên quan, xa hơn nữa là tạo ra "sức sống mới", nguồn lực mới, động lực mới để hồi sinh các dự án, đóng góp tích cực cho thị trường và nền kinh tế… ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - nêu quan điểm: Với mỗi dự án, phải dựa dựa trên nguyên tắc cơ chế thị trường, hiệu quả thực tiễn để xử lý.
Cụ thể như sản xuất phân bón hiện có lãi, nhưng xăng sinh học thì chưa. Trước thực tế này, Ban chỉ đạo cùng các DN sẽ phải rà soát lại các vấn đề tồn đọng để xem DN cần hậu thuẫn về cơ chế, chính sách, sự tự chủ hay niềm tin? Nếu không có vướng víu về cơ chế, chính sách sẽ giao quyền cho DN tự chịu trách nhiệm. Trường hợp không giải quyết được tranh chấp EPC thì phải sử dụng hệ thống tư pháp trọng tài, mở hướng để DN có thể thoái vốn, tái cơ cấu vốn mà không phụ thuộc vào EPC...
DAP-1 Hải Phòng – 1 trong 5 dự án đã ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém |
Quyết liệt hơn, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng: Cần “Đặt đồng hồ đếm ngược cho tất cả các dự án”. Trong đó, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm – tìm đáp án cho bài toán lợi ích, chi phí. Dự án nào nên chấm dứt thì chấm dứt sớm, giảm thiệt hại giảm cho đất nước. Dự án nào buộc phải có, phải bỏ thêm chi phí vì lợi ích quốc gia…. Đặc biệt, việc phân định quyền, trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ có liên quan rất quan trọng và cần được bảo vệ bằng pháp luật để tạo ra sự yên tâm, hiệu quả. Không thể để tình trạng, giai đoạn trước một người làm, giai đoạn sau người khác làm lại phải chịu trách nhiệm cả quá trình.
Là tập đoàn có liên quan tới 5/12 dự án chậm tiến độ, thua lỗ, đến nay 4 dự án của Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã có dấu hiệu hồi sinh. Chia sẻ về hướng đi cho chặng đường tiếp theo, ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mong muốn: Về Cơ chế, chính sách, DN cần được trao quyền chủ động nhiều hơn để nâng cao tinh thần trách nhiệm và xử lý có hiệu quả nhiều vấn đề nảy sinh. “Trong khi DN tư nhân có nhiều khâu rất linh hoạt, xử lý “trong vòng nốt nhạc” thì DN nhà nước phải tuân thủ đúng hệ thống chính sách dẫn đến thủ tục kéo dài, aenh hưởng không nhỏ đến tiến độ, kinh phí triển khai, thực hiện”.
Thống nhất nguyên tắc xử lý chọn tối ưu thay vì tối đa trong xử lý các dự án thua lỗ, chậm tiến độ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An lưu ý: Chủ trương của Đảng ta là xây dựng nền kinh tế độc lập tự cường và các dự án đang vướng mắc đều được thực hiện nhằm mục tiêu tăng năng lực sản xuất trong nước.. Chính vì thế, quá trình xử lý phải linh hoạt vì vấn đề mà mỗi dự án gặp vướng mắc là không giống nhau.