Nhiều cửa hàng ở Đắk Lắk bán xe điện không rõ nguồn gốc
Báo Lao động ngày 30/9, đưa tin: Ngày 30/9, lãnh đạo Công an huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk xác nhận, đang xác minh, củng cố hồ sơ để xử lý 4 cửa hàng kinh doanh hơn 100 chiếc xe điện các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng Công an huyện Cư M'Gar xử lý số xe đạp điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: Sỹ Đức |
Trước đó, Công an huyện Cư M’gar phát hiện nhiều cửa hàng kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực thương mại. Ngay sau đó, lãnh đạo Công an huyện Cư M’gar đã chỉ đạo đội Cảnh sát kinh tế vào cuộc xác minh, điều tra.
Ngày 26/9, Công an huyện Cư M’gar đã triển khai 4 tổ công tác, đồng loạt kiểm tra 4 cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thị trấn Quảng Phú và xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar. Tại các cửa hàng trên, lực lượng Công an phát hiện 110 chiếc xe đạp điện, xe máy điện không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, với tổng giá trị tài sản hơn 1 tỷ đồng. Ngay sau đó, lực lượng Công an tiến hành lập biên bản, niêm phong và thu giữ toàn bộ số xe điện trên đưa về đơn vị để phụ vụ điều tra, xác minh.
Hiện tại, Công an huyện Cư M’gar tiếp tục xác minh làm rõ để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Phú Thọ: Khởi tố 129 người liên quan đến hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Báo Đại Đoàn kết ngày 30/9, đăng tin: Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Cục Cảnh sát kinh tế, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, Tổng cục Hải quan vừa có buổi làm việc. Báo cáo tại hội nghị, ông Hà Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Phú Thọ cho biết, 9 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ đã phát hiện, xử lý 1.275 vụ liên quan đến hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả, khởi tố 20 vụ/129 bị can, thu nộp ngân sách nhà nước gần 47 tỷ đồng.
Kiểm tra hoạt động kinh doanh tại huyện Phù Ninh. Ảnh: Đội QLTT số 8 |
Đồng thời, nhờ chủ động, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, chuyên đề của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Phú Thọ không phát sinh điểm nóng; kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ án, vụ việc, đường dây nóng, đối tượng vi phạm, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bình ổn thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế. Công tác thông tin, tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng được chú trọng.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn còn tồn tại vi phạm ở một số cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ. Hoạt động kinh doanh trên nền tảng, ứng dụng mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp.
Đề xuất phạt hơn 137 triệu đồng vì bắt ốc trong khu bảo tồn
Báo Pháp luật ngày 30/9, đưa tin: Ngày 30/9, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuyển hồ sơ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với một cá nhân có hành vi khai thác thủy sản trái phép.
Đêm 28/9, đoàn kiểm tra liên ngành trong đó có, lực lượng của Trạm Kiểm lâm Cơ Động phát hiện Phạm Văn Tân (35 tuổi, cư trú tại Khu dân cư số 2, huyện Côn Đảo) đang khai thác thủy sản trái phép trong khu vực biển bảo tồn Bãi Giông - Hòn Bảy Cạnh (thuộc Phân khu phục hồi sinh thái - Hợp phần bảo tồn biển Vườn quốc gia Côn Đảo).
Thời điểm bị phát hiện, trên bè gắn máy tự chế của Tân có 5 kg ốc ngọt (có tên khoa học là Nerita undata). Hành vi này bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Luật Thủy sản 2017.
Trạm Kiểm lâm Cơ Động lập biên bản vụ việc. Nhưng lúc này Tân chối, không ký biên bản, chống đối và tự ý cắt bỏ dây neo rồi lấy bè tự chế tháo chạy hòng trốn tránh không hợp tác với lực lượng đang làm nhiệm vụ. Các lực lượng chức năng đã tạm giữ Tân và phương tiện để xử lý.
Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo lập biên bản về việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với Tân. Ngoài ra, công an huyện cũng lập biên bản vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, tạm giữ phương tiện tự chế, không có giấy phép của Tân.
Căn cứ quy định pháp luật, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT trình Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Phạm Văn Tân hình thức phạt tiền, mức tiền phạt là hơn 137 triệu đồng.
Ngoài ra cũng nhiều lần bị Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo, Đồn Biên phòng Côn Đảo xử phạt vi phạm hành chính do có hành vi vi phạm các quy định quản lý, bảo vệ rừng; sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện hoạt động.