Trong ASEAN, Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đáng kể trong sản xuất quần áo, trong khi Indonesia, Thái Lan và Việt Nam có lợi thế trong sản xuất dệt may. Hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN khác cũng có năng lực trong sản xuất và thương mại may mặc như: Các nhà cung ứng hiện tại (Malaysia và Brunei), các nhà cung cấp tiềm năng (Myanmar) hoặc là trung tâm thương mại nội khối (Singapore). Do chi phí sản xuất và mua hàng dệt may ở Trung Quốc tăng, một số công ty lớn trên thế giới đã chuyển một phần nguồn cung ứng sang Đông Nam Á. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong vài năm tới khi Đông Nam Á phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất và thiết kế thời trang quan trọng của châu Á và quốc tế.
Tại Đông Nam Á, trong ba lĩnh vực chính của ngành dệt may là sợi - dệt nhuộm - may mặc, ngành sợi và dệt nhuộm đã có nhiều bước tiến trong ứng dụng tự động hóa cũng như ứng dụng công nghệ thông tin giúp nâng cao năng suất, tốc độ, khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn. Các công nghệ tự động với hệ thống robot tùy chỉnh đang từng bước làm thay đổi thị trường dệt may Đông Nam Á. Quá trình kỹ thuật số hóa với các hình thức tiên tiến và tích hợp hơn trong chuỗi cung ứng dệt may đang từng bước thay đổi ngành dệt may khu vực.
Malaysia
Ngành dệt may đứng thứ 11 về kim ngạch xuất khẩu tại Malaysia với 3,67 tỷ USD vào năm 2017. Để hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may hiện đại hóa sản xuất với việc ứng dụng tự động hóa, Chính phủ Malaysia đã có sáng kiến về hỗ trợ vốn cho tự động hóa (Automation Capital Allowance) từ ngân sách Nhà nước. Các ngành thâm dụng lao động như ngành dệt được hỗ trợ vốn để đẩy nhanh tiến độ tự động hóa. Đồng thời, các chương trình thúc đẩy tự động hóa trong thiết kế, in ấn các sản phẩm dệt may cũng được tiến hành thông qua nhiều cách thức khác nhau như: Quảng bá, phổ biến cho các thiết bị, phần cứng, phầm mềm tự động hóa, phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm thông qua các triển lãm, hội thảo quốc tế chuyên ngành...
Cơ quan phát triển đầu tư Malaysia (MIDA) đã có nhiều hoạt động hỗ trợ quá trình tự động hóa và phát triển sản xuất thông minh trong ngành dệt may, đặc biệt thông qua các cơ chế ưu đãi đầu tư. Bộ Thương mại quốc tế và công nghiệp Malaysia (MITI) cũng công bố kế hoạch thành lập Liên đoàn thiết kế sản phẩm dệt may của nước này nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may Malaysia.
Indonesia
Với lực lượng lao động đông đảo nhất trong khu vực, không khó hiểu khi dệt may là một ngành truyền thống tại Indonesia, đảm bảo công ăn việc làm cho 1,5 triệu người, doanh thu xuất khẩu khoảng 13 tỷ USD.
Thực tế cho thấy, máy móc và thiết bị lạc hậu dẫn đến năng suất và hiệu quả thấp trong ngành dệt may Indonesia, nhất là tại các doanh nghiệp nhỏ. Hiện tại, 30% các nhà máy dệt ở Indonesia sử dụng thiết bị trên 25 tuổi. Do đó, nhu cầu công nghệ mới được sử dụng trong lĩnh vực dệt may sẽ lên tới 400 tỷ IDR mỗi năm.
Từ năm 2007, Chính phủ Indonesia đã cung cấp các ưu đãi để mua máy móc mới, tuy nhiên, quỹ được phân bổ không đủ để thay thế các thiết bị được sử dụng trên toàn bộ ngành công nghiệp. Do đó, gần đây, Chính phủ nước này đã bổ sung ưu đãi cho ngành dệt với việc giảm thuế thu nhập 30% trong 6 năm thông qua việc ban hành Quy chế của Bộ Công nghiệp số 1 năm 2018. Sự hỗ trợ này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong ngành giữ lại được lượng vốn cần thiết cho tái đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là tự động hóa trong bối cảnh làn sóng này ngày càng mạnh mẽ tại châu Á và các đối thủ cạnh tranh của Indonesia trong lĩnh vực dệt may.
Thái Lan
Với chuỗi giá trị hoàn chỉnh, Thái Lan có khoảng 4.700 nhà sản xuất dệt may, từ sợi, nhuộm cho đến quần áo, trong đó có khoảng 2.000 công ty may mặc tập trung quanh Bangkok và ở miền đông Thái Lan.
Ngành công nghiệp dệt may ở Thái Lan có lợi thế về sản xuất vải, đồ thể thao, trang phục thường ngày, đồ trẻ em và đồ nữ. Với các cụm công nghiệp dệt may ngày càng hoàn thiện, Thái Lan là một trong số ít nước ở Đông Nam Á có thể đảm đương từ sản xuất, thiết kế và phân phối hàng dệt may. Thái Lan là nhà sản xuất lụa nổi tiếng thế giới và cũng có lợi thế trong sản xuất sợi kỹ thuật. So với các nhà xuất khẩu dệt may khác trong khu vực, Thái Lan vượt trội hơn về các dịch vụ hoàn thiện, nhuộm và in thân thiện với môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu. Do đó, rất dễ hiểu khi các doanh nghiệp nước này cũng tiên phong trong quá trình tự động hóa ngành dệt may.
Một ví dụ tiêu biểu là Tập đoàn Thái Lan VT năm 2018 đã đầu tư 10 triệu baht vào một hệ thống tự động hóa để giám sát và quản lý trong thời gian đầu tư cơ sở sản xuất hàng may mặc tại Bangkok. Hệ thống mới nhằm cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm, từ áo khoác và đồ trượt tuyết, đồ thể thao, quần short và áo khoác. Công ty xuất khẩu 98% sản phẩm của mình sang châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản và thông qua các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) tại thị trường nội địa. Công ty này có ba cơ sở sản xuất tại Bangkok, tỉnh Maha Sarakham và Yangon ở Myanmar.
Nhờ áp dụng các công nghệ tiên tiến, Thái Lan đã trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu chính của một số sản phẩm dệt may, đạt tiêu chuẩn toàn cầu và mang thương hiệu Thái Lan. Với các công nghệ đột phá và năng lực tiên tiến, các nhà sản xuất Thái Lan đang cung cấp các sản phẩm có tính năng độc đáo và tiên tiến, từ chất chống cháy, vải được điều chỉnh nhiệt độ và kháng khuẩn.
Ghi nhận tầm quan trọng và giá trị của ngành dệt may Cơ quan đầu tư Thái Lan (Board of investment- BOI) đã cung cấp một loạt các ưu đãi về thuế và phi thuế cho các dự án đáp ứng các mục tiêu phát triển quốc gia.