Báo cáo, tại Hội nghị Triển khai công tác bảo vệ quyền lợi NTD khu vực phía Bắc diễn ra tại Hà Nội vào ngày 25/9 vừa qua của Bộ Công Thương cho thấy, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng phát triển mạnh tại Việt Nam, nếu như năm 2015 doanh số TMĐT B2C (Doanh nghiệp với khách hàng) đạt trên 4 tỷ USD thì năm 2018 con số này đã đạt khoảng 7,8 tỷ USD. Tốc độ phát triển TMĐT hàng năm của Việt Nam tăng trên 30% như vậy vấn đề đặt ra là bảo vệ quyền lợi NTD như thế nào trong lĩnh vực còn khá mới mẻ này ở Việt Nam. Bên cạnh những lợi ích cho cả người mua lẫn người bán, nhất là trong phòng chống lây lan dịch Covid-19 vừa qua thì TMĐT cũng đã gây ra nhiều rủi ro cho NTD.
Điển hình như: vụ kinh doanh đa cấp trên sàn giao dịch TMĐT, với thủ đoạn sử dụng “gói dịch vụ đặt phòng giá rẻ” đi du lịch trên phạm vi toàn cầu, hơn 70.000 NTD đã trở thành nạn nhân, số tiền thiệt hại lên đến trên 2,7 triệu USD.
Nhiều trường hợp phải có sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước hay Hội bảo vệ NTD thì quyền lợi của NTD mới được đảm bảo điển hình như: Chị Nguyễn Thị Thu Phương (Hà Nội) khiếu nại việc mua máy tính bảng của Công ty SCJ TV Shopping, khi về sử dụng bị lỗi. Hội Bảo vệ NTD vào cuộc, doanh nghiệp mới đổi sản phẩm mới; ông Nguyễn Ngọc Băng (Hà Nội) khiếu nại mua máy tập của Công ty Lotte Đất Việt, quảng cáo trên kênh TV Shopping, khi sử dụng bị trục trặc, nhưng công ty không giải quyết. Qua Hội bảo vệ NTD, công ty đã đổi sản phẩm mới….
Khẩu trang va găng tay y tế giả được cơ quan QLTT phát hiện tại Hưng Yên và Hòa Bình |
Bên cạnh đó, thông qua kiểm tra website Shopnhatchaly.com, cơ quan chức năng cũng phát hiện kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, là hàng nhập lậu; Kiểm tra website ruouthuonghieu.com, kinh doanh hàng hoá có điều kiện nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hay kiểm tra website ruoungoai.net, phát hiện nhiều mặt hàng rượu nhập lậu như: vang Argentina, Finca Las Moras; vang Chi Lê, hiệu La Roca. 3 website TMĐT bán hàng không thông báo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Trong khi đó lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng luôn được NTD đặc biệt quan tâm, mà vụ pate Minh Chay gần đây là ví dụ điển hình. Đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Hà Nội cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Sản phẩm có nhãn mác, có bản tự công bố sản phẩm. Theo quảng cáo, được xử lý tiệt trùng theo công nghệ Nhật Bản. Tuy nhiên, khi NTD bị ngộ độc, nhập viện mới biết sản phẩm có chứa độc tố cực mạnh, có thể gây chết người chỉ với liều lượng rất nhỏ.
Theo công bố của Viện Kiểm nghiệm ATTP Quốc gia và Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh, cho thấy các mẫu pate Minh Chay có chứa độc tố botulinum do vi khuẩn yếm khí clostridium botulinum gây ra. Và theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 40 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.087 người mắc, 15 người tử vong…
Lợi dụng nhu cầu phòng chống dịch Covid-19, nhiều vụ sản xuất, kinh doanh khẩu trang giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ đã xảy ra, như vụ gần 38 nghìn hộp khẩu trang bị quản lý thị trường (QLTT) Quảng Bình phát hiện ngày 31/7; vụ 500 nghìn khẩu trang không đạt tiêu chuẩn, bị QLTT Hà Nội phát hiện ngày 3/8; vụ gần 75 nghìn khẩu trang bị QLTT An Giang tạm giữ ngày 6/8; vụ gần 10 tấn găng tay cao su đã qua sử dụng, bị lực lượng QLTT phối hợp phát hiện, tạm giữ..
Từ các sự việc trên có thể thấy, nạn sản xuất, buôn bán hàng giả đang ngày càng diễn biến phức tạp. Hàng giả xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực, từ hàng tiêu dùng đến vật tư, máy móc, thiết bị, văn hóa phẩm, dược phẩm, tiền, vàng, bằng cấp; với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Trên đây chỉ là số ít các vụ việc liên quan đến một số lĩnh vực, thực tế còn nhiều lĩnh vực ảnh hưởng đến quyền lợi NTD như: Ghi nhãn, hàng đóng gói, quảng cáo, thực phẩm chức năng, khuyến mại, giá cả vv…; Dịch vụ tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, vận chuyển, bảo hành, cho thuê vv…
Để nâng cao công tác bảo vệ quyền lợi NTD, thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư và Nghị quyết Số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ, ngày 23/7/2020, hiện công tác lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và người dân để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định hướng dẫn thi hành cho phù hợp với điều kiện và tình hình mới. Trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung Luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy vai trò tổ chức xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Cũng như cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư và Nghị quyết Số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ.