Hội nghị quốc tế về Phân tích thông tin đa phương tiện và nhận dạng 2020 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Báo Công Thương phải đẩy mạnh truyền thông đa phương tiện |
Truyền thông đa phương tiện trong xu hướng phát triển của báo chí mang lại cơ hội và sự đa dạng hơn trong việc truyền tải thông tin tới các độc giả. Nhưng cũng đòi hỏi người làm báo cần trau dồi sự chuyên nghiệp, năng lực và phẩm chất đạo đức để không đánh mất những giá trị cốt lõi của báo chí.
Trong thời đại số, báo chí và truyền thông đang trải qua những thay đổi đáng kể. Xu hướng đa phương tiện và công nghệ 4.0 mang lại cơ hội và sự đa dạng hơn trong việc truyền tải thông tin tới các độc giả bằng sự kết hợp giữa văn bản, âm thanh, hình ảnh và đồ họa, cùng với tính tương tác và cá nhân hóa, đã thay đổi cách mà người đọc tiếp cận và tiếp thu thông tin từ các tác phẩm báo chí-truyền thông.
Xu hướng đa phương tiện buộc người làm báo phải trau dồi kiến thức và kỹ năng để truyền tải thông tin một cách hiệu quả, hấp dẫn |
Một số xu hướng có thể kể đến như: Đa nền tảng (Multichannel) và tích hợp đa phương tiện (Multimedia Integration). Bên cạnh báo in truyền thống, các đơn vị báo chí thường sử dụng website, ứng dụng di động, mạng xã hội, podcast, video trực tuyến và các hình thức khác để tiếp cận độc giả ở nhiều lứa tuổi, mang tới thông tin sinh động và chân thực nhất để từ đó, giúp tăng tính tương tác, tạo sự tham gia của người đọc. Tại đây, độc giả có thể bình luận quan điểm cá nhân, đánh giá, góp ý và phản hồi với cơ quan báo chí, tạo ra một môi trường trao đổi thông tin đa chiều, nâng cao sự tham gia và cảm giác chủ động của người đọc.
Cùng với đó, để cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho người đọc, việc tích hợp công nghệ mới vào trải nghiệm đọc báo cũng đóng vai trò quan trọng với các công nghệ tiên tiến có thể kể tới trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và trực tuyến thời gian thực (real-time) đang được áp dụng. Nhờ có AI, độc giả dễ dàng tiếp cận với những nội dung quan tâm trong thời gian sớm nhất, dựa trên lịch sử truy cập và sở thích cá nhân.
Bằng cách kết hợp các yếu tố âm thanh, hình ảnh và video, báo chí có thể tạo ra những trải nghiệm đa phương tiện tương tác, làm cho thông tin, hình ảnh trở nên sắc nét và sống động hơn từ đó giúp người đọc dễ dàng tiếp thu và hiểu rõ hơn về các vấn đề được đề cập.
Tuy nhiên, đa phương tiện mặc dù đem lại nhiều lợi ích, song cũng có những hạn chế và tiềm ẩn những nguy cơ như: Thông tin không chính xác, tin giả… có thể gây hiểu lầm, đồng thời làm mất đi sự tin tưởng của công chúng vào thông tin từ báo chí. Sự phát triển của công nghệ cũng đặt ra thách thức về bảo mật thông tin. Với việc truyền tải thông tin trên các nền tảng số và mạng internet, nguy cơ rò rỉ thông tin và vi phạm quyền riêng tư là rất cao. Báo chí cần phải đảm bảo an ninh thông tin và bảo vệ quyền riêng tư của người đọc, tránh việc lạm dụng thông tin và vi phạm quyền riêng tư của cá nhân.
Để hạn chế các nhược điểm của xu hướng đa phương tiện, người đọc cần phát triển khả năng phân biệt và chọn lọc kỹ lưỡng các luồng thông tin, tìm hiểu nguồn tin đáng tin cậy và tham gia một cách tỉnh táo, chủ động trong quá trình tiếp thu thông tin.
Về phía các tổ chức, cơ quan báo chí, trong quá trình theo đuổi xu hướng đa phương tiện cần duy trì chất lượng thông tin và đảm bảo rằng thông tin được cung cấp là chính xác và đáng tin cậy. Đặc biệt hơn, bản thân người làm báo cũng cần trau dồi sự chuyên nghiệp, năng lực và phẩm chất đạo đức của bản thân, rèn luyện sự nhạy bén và linh hoạt trong công việc, đảm bảo tiến độ công việc được giao nhưng cần có sự cảnh giác và chọn lọc, đảm bảo tính chính xác, độ tin cậy của thông tin được truyền tải để không đánh mất những giá trị cốt lõi của ngành báo chí nước nhà.