Hơn 1.200 bị hại có mặt tại tòa
Sáng 19/3, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ "đại án" xảy ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Nguyễn Xuân Văn (Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội) làm chủ tọa phiên tòa. 3 kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và 2 kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố tại phiên tòa.
Bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh và đồng phạm bị đưa ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015 |
Theo quyết định đưa ra xét xử của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, bị cáo Đỗ Anh Dũng và con trai là Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cùng bị xét xử tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng tội danh này còn có 13 bị cáo khác: Phùng Thế Tính, nguyên Giám đốc Trung tâm Tài chính - Kế toán, kiêm Giám đốc Ban Tài chính - Kế toán, Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Hoàng Quyết Chiến, quyền Phó Giám đốc Trung tâm Tài chính - Kế toán, kiêm Giám đốc Ban Tài chính - Kế toán; Lê Thị Mai, nguyên Phó trưởng Ban Nguồn vốn; Vũ Lê Vân Anh, Phó Giám đốc Ban Nguồn vốn.
Nguyễn Văn Khẩn, Phó Trưởng phòng Ngân sách Trung tâm Tài chính - Kế toán; Lê Văn Thịnh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Trần Hồng Sơn, Phó Tổng giám đốc; Nguyễn Khoa Đức, Trợ lý Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Giám đốc Công ty Cung điện Mùa Đông; Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ngôi Sao Việt.
Bùi Thị Ngọc Lân, nguyên Giám đốc Công ty Kiểm toán Nam Việt - Chi nhánh phía Bắc; Lê Văn Dò, Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán và Kế toán Hà Nội; Phan Anh Hùng, nguyên Phó Giám đốc Công ty CPA Hà Nội Chi nhánh Sài Gòn; Nguyễn Thị Hải, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty CPA Hà Nội.
Trong số 15 bị cáo, có 7 bị cáo được tại ngoại, 8 bị cáo bị tạm giam.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát cho biết, một số người liên quan vắng mặt nhưng đã có lời khai trong quá trình điều tra nên không ảnh hưởng đến diễn biến xét xử. Với những người vắng mặt, Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục triệu tập trong thời gian diễn ra phiên tòa nếu thấy cần thiết.
Hơn 1.200 bị hại đã đăng ký tham dự phiên tòa |
Theo ghi nhận, trong số 6.630 bị hại được triệu tập, đến nay mới có khoảng hơn 1.200 bị hại có mặt tại tòa.
Theo chủ tọa phiên tòa, vụ án có số lượng bị hại rất lớn, khi triệu tập, tòa án đã đề nghị các bị hại kiểm tra thông tin tên tuổi, địa chỉ và số tiền, nếu có vấn đề thì thông báo cho tòa. Trước khi phiên tòa bắt đầu, cán bộ tòa án đã kiểm tra căn cước, lý lịch bị hại nên Hội đồng xét xử sẽ không kiểm tra lại.
Bên cạnh đó, tòa án công bố toàn bộ danh sách bị hại, dán tại tòa. Các bị hại có thể kiểm tra, đối chiếu thông tin. Về số tiền, đề nghị bị hại so sánh với hợp đồng hoặc tài khoản đã đăng ký với Tân Hoàng Minh, nếu có sai sót thì gửi lại cho ban thư ký trong quá trình xét xử.
Nếu ai không có tên trong danh sách bị hại nhưng có căn cứ chứng minh mình đã mua trái phiếu hoặc tài khoản Tân Hoàng Minh thì báo lại để Hội đồng xét xử xem xét...
Sau phần thủ tục, đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng dài 25 trang.
Do số lượng bị hại quá đông nên một số được ngồi ở phòng xét xử, số còn lại được Tòa án bố trí ngồi trong rạp, bên ngoài sân tòa. Tại đây, các bị hại được theo dõi diễn biến phiên tòa thông qua màn hình tivi cỡ lớn |
Video: Bị cáo Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt khai báo lý lịch trong phần thủ tục phiên tòa
Con trai ông chủ Tân Hoàng Minh khai về kế hoạch huy động vốn
Là người đầu tiên trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử, bị cáo Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh khai, bản thân nắm giữ tài chính tại tập đoàn.
Việc nhiều người gọi Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh là Tập đoàn Tân Hoàng Minh do có nhiều công ty con được điều hành bởi Tân Hoàng Minh.
Bị cáo Đỗ Hoàng Việt tại phiên tòa sáng 19/3. Ảnh: Mạnh Hùng |
Việt khai, năm 2021 là lúc đang dịch Covid-19, Tân Hoàng Minh gặp khó khăn trong việc huy động vốn, khó khăn về tín dụng, có nhiều khoản nợ đến hạn nhưng không thể vay được tiếp.
Việt cũng nói rõ, chủ trương huy động vốn là từ bố mình là Chủ tịch Tập đoàn (bị cáo Đỗ Anh Dũng) đề ra. Ông Dũng chỉ đạo trực tiếp và nói rằng dự kiến sắp tới sẽ phát hành trái phiếu, giao cho Việt lên phương án và báo cáo lại.
Sau khi tiếp nhận chỉ đạo từ Chủ tịch, Việt triệu tập các cuộc họp với cấp dưới để lựa chọn hình thức phát hành trái phiếu.
Theo kế hoạch, họ sẽ dùng các công ty thuộc "hệ sinh thái" Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu mua đi bán lại, sử dụng "thương hiệu" Tân Hoàng Minh để bán cho người dân thu lợi. Để các công ty được đủ điều kiện phát hành trái phiếu, họ phải chỉnh sửa báo cáo tài chính, số liệu nợ...
Đỗ Hoàng Việt thừa nhận, các dự án được dựng lên để phát hành trái phiếu là giả, không có thật và việc liên hệ với kiểm toán, lập hồ sơ phương án, báo cáo tài chính cũng là giả.
"Bị cáo không có đủ nhận thức để nhận ra hành vi sai phạm của mình lại nghiêm trọng như vậy", Việt khai.
Tại thời điểm phát hành trái phiếu, 3 công ty phát hành chưa đủ giá trị về mặt pháp lý.
Đối với số tiền giúp sức chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng, Việt cho biết gia đình nộp khắc phục toàn bộ và thừa nhận nội dung cáo trạng mà Viện kiểm sát công bố là đúng.
Toàn cảnh phiên xét xử. Ảnh: Mạnh Hùng |
Bị cáo Vũ Lê Vân Anh, Phó Giám đốc Ban Nguồn vốn thừa nhận, có tham gia các cuộc họp để phát hành trái phiếu. Việc triển khai phát hành trái phiếu do Đỗ Hoàng Việt cùng 3-4 người khác thực hiện.
Theo cáo buộc, bị cáo Vân Anh giúp sức gây thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng. Đến nay, bị cáo này đã nộp khắc phục được 20 triệu đồng. "Thời điểm làm việc, bị cáo không biết trái phiếu là không có giá trị, đến khi bị bắt bị cáo mới biết", Vân Anh khai.
Bị cáo Lê Thị Mai, nguyên Phó trưởng Ban Nguồn vốn bị cáo buộc tham gia tạo dựng hồ sơ phát hành của 2 gói trái phiếu, giúp sức cho Chủ tịch Tân Hoàng Minh chiếm đoạt số tiền 1.753 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Mai thừa nhận lời khai của bị cáo Đỗ Hoàng Việt, thừa nhận truy tố của Viện kiểm sát là đúng và không bị oan.
Bị cáo khai nhận có biết hồ sơ phát hành là tạo dựng nhưng không biết hậu quả hành vi nghiêm trọng đến vậy, "bị cáo rất hối hận".
Về phía bị cáo Đỗ Anh Dũng, trong biên bản ghi ý kiến trước phiên tòa, bị cáo bày tỏ sự ăn năn, hối hận vì nhận thức chưa đầy đủ của mình dẫn đến hậu quả của vụ án. Bị cáo xin nhận trách nhiệm cao nhất.
"Ngay sau khi vụ án xảy ra, bị cáo đã có đơn xin tự nguyện khắc phục hậu quả bằng cách bán tài sản để có tiền trả lại các nhà đầu tư. Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo liên tục nhắn nhủ tới gia đình, bạn bè, người thân tìm cách huy động mọi nguồn lực để thực hiện nguyện vọng này", bị cáo Đỗ Anh Dũng trình bày.
Bị hại mong sớm nhận lại được tiền trong vụ Tân Hoàng Minh
Tại khu làm thủ tục, hàng nghìn người theo danh sách bị hại tại rạp ngoài trời chật kín người. Tại đây, tòa bố trí 8 bàn tiếp nhận giấy tờ nhưng lượng người dồn đến quá đông dẫn đến ùn tắc và chen lấn. Đến 10h30, lượng người tới làm thủ tục vẫn chưa hoàn tất.
Ghi nhận của phóng viên, các bị hại người ít thì cũng vài trăm triệu đồng bỏ ra để mua trái phiếu của Công ty Tân Hoàng Minh, người nhiều thì cũng tiền tỷ.
Chị N. mang theo con nhỏ từ Nghệ An ra Hà Nội tham dự phiên tòa với hy vọng sớm lấy lại được tiền |
Nhà neo người, chồng đi làm xa, chị N. (40 tuổi, trú Nghệ An) phải mang theo con trai 2 tuổi ra Hà Nội dự phiên tòa. Trong valy ngoài quần áo, có thêm bỉm, sữa, đồ ăn vặt cho con. Chị N. cho biết, có bạn thân làm trong Tập đoàn Tân Hoàng Minh, được thuyết phục mua trái phiếu giúp để bạn "chạy chỉ số" nên rút tiền tiết kiệm 150 triệu đồng mua trái phiếu kỳ hạn một tháng.
Ngay hôm sau, cha con Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị bắt, chị N. chưa kịp lấy hợp đồng chứng từ.
Số tiền mất trong vụ án bằng khoảng 25 tháng lương kế toán của chị song bị hại này vẫn xin giảm nhẹ cho cha con ông Dũng. "Ban đầu, tôi rất lo lắng vì không biết có lấy lại được tiền không. Nhưng đến nay biết được các bị cáo đã nộp lại tiền để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án nên tôi an tâm hơn và mong sẽ sớm được nhân lại tiền", chị N. nói.
Nhà đầu tư đến làm thủ tục tham dự phiên tòa |
Một bị hại ở TP. Hà Nội cho biết, đang có 5 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng thì được người quen giới thiệu mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh với "lãi suất cao hơn và an toàn".
Vì tin tưởng nên tháng 3/2022 rút hết tiền tiết kiệm để mua trái phiếu; trong đó, gần 4 tỷ đồng mua của Vạn Thịnh Phát và hơn 1 tỷ mua trái phiếu Tân Hoàng Minh. Với lô trái phiếu Tân Hoàng Minh ông chưa nhận được lãi lần nào.
Bị hại mong tòa xét xử các bị cáo đúng người, đúng tội |
"Đội mưa" đến tòa từ 5h sáng, bà P. (71 tuổi, Hoàng Mai Hà Nội) cho biết, thông qua lời giới thiệu của một nhân viên ngân hàng, bà biết đến các gói trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Sau đó bà tìm hiểu và đầu tư 500 triệu đồng mua trái phiếu. Vì thời gian đầu thấy có lãi suất nên bà đã rủ một người con đầu tư thêm 2 tỷ đồng.
"Thấy Tập đoàn Tân Hoàng Minh hùng mạnh nên tôi tin tưởng, không do dự gì khi tham gia mua trái phiếu. Giờ tôi chỉ mong được nhận lại tiền để an dưỡng tuổi già", bà P. nói và cho hay đề nghị tòa xét xử các bị cáo đúng người đúng tội.
Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong khoảng 20 ngày.
Theo cáo trạng, do khó khăn về tài chính và để có tiền chi phí duy trì bộ máy làm việc, hoạt động kinh doanh, đầu tư, thanh toán các khoản nợ phải trả của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022, các bị cáo đã vi phạm pháp luật trong khi thực hiện huy động vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Cáo trạng quy kết các bị cáo đã chiếm đoạt của nhà đầu tư tổng số hơn 8.643 tỷ đồng. Số tiền này được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành trái phiếu. Hơn 6.630 nhà đầu tư được xác định là người bị hại được triệu tập đến phiên xử. Toàn bộ khoản tiền thiệt hại nói trên đã được thu hồi. |