Thủ tục cấp thị thực điện tử công khai, minh bạch.
Số liệu từ báo cáo của Chính phủ cho biết, từ ngày 1/2/2017 đến ngày 15/10/2018, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đã cấp 336.932 thị thực điện tử cho người nước ngoài. Số lượng thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài tăng nhanh, từ tháng 2 đến tháng 6/2018, đã có 115.349 thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài, tăng 273% so với cùng kỳ năm 2017.
Tính đến ngày 15/10/2018 đã có 271.530 lượt người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam bằng thị thực điện tử, chủ yếu qua cửa khẩu quốc tế đường không, số người nước ngoài nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường biển không nhiều.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc kiểm tra, kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử tại các cửa khẩu đường không, đường bộ, đường biển đảm bảo an ninh, an toàn, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, chưa phát sinh những vấn đề phức tạp. Không để người nước ngoài thuộc diện chưa cho nhập cảnh vào Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại Quốc hội |
Thủ tục cấp thị thực điện tử thực hiện đơn giản, đảm bảo thuận lợi, công khai, minh bạch. Công tác xét duyệt nhân sự cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài đảm bảo chặt chẽ, không để lọt các trường hợp người nước ngoài thuộc diện chưa cho nhập cảnh Việt Nam.
“Chính phủ thấy rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử là chủ trương đúng đắn. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được các mục tiêu mà Quốc hội đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần tích cực vào công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của đất nước, đề nghị Quốc hội xem xét, cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thêm 2 năm, kể từ ngày 1/2/2019” – Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị.
Đánh giá kết quả thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử, Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cơ bản nhất trí với đề nghị nói trên của Chính phủ để có thêm thời gian kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá một cách toàn diện tác động của chính sách này.
Tạo môi trường góp phần vào phát triển kinh tế xã hội
Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, việc tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là việc làm cần thiết, góp phần phát triển du lịch và phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất không ra Nghị quyết riêng, cho kéo dài thời gian thí điểm 2 năm, nội dung thực hiện thí điểm vẫn theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ khẩn trương chuẩn bị Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để có thể báo cáo Quốc hội xem xét.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến (đoàn Hà Nội), thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã đạt được các yêu cầu theo Nghị quyết mà Quốc hội đề ra, khẳng định việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 ngày 22/11/2016 là đúng đắn. “Việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam dựa trên lợi ích chung của quốc gia mà mục tiêu của chúng ta là tiếp tục phát triển du lịch để qua đó góp phần vào phát triển kinh tế xã hội thì lần này trình để tiếp tục gia hạn”, đại biểu Nguyễn Văn Chiến khẳng định
Đối với đại biểu Phạm Tất Thắng- đoàn Vĩnh Long cho rằng, tác dụng tích cực của thí điểm cấp thị thực điện tử là một trong những nguyên nhân gia tăng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam từ đầu năm đến nay. “Tuy nhiên, đây là chính sách áp dụng thí điểm và chắc thời gian cũng chưa đủ để có thể tổng kết thành quy định về mặt pháp lý một cách cụ thể cho nên tôi cho là việc đề nghị gia hạn là việc làm cần thiết để có thêm thời gian để xem xét hiệu quả của chính sách. Khi điều kiện chín muồi thì có phương án cụ thể đối với đề xuất này cho hợp lý”, đại biểu Phạm Tất Thắng đề xuất.
Xung quan vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, trong thời gian tiếp tục thực hiện thí điểm, Chính phủ khẩn trương chuẩn bị Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để có thể báo cáo Quốc hội xem xét. Đồng thời đề nghị Chính phủ lưu ý tiếp tục rà soát, đánh giá thật kỹ toàn bộ các danh mục, các nước được áp dụng, các cửa khẩu được nhập cảnh bằng thị thực điện tử để đảm bảo chặt chẽ hiệu quả. Cùng với đó, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội về công tác tuyên truyền, vấn đề phối kết hợp giữa các bộ, ngành để đảm bảo áp dụng hiệu quả trong thời gian tới.