Thu hồi phù hiệu, biển hiệu trên 800 phương tiện vi phạm tốc độ Sau vụ tai nạn tại Quảng Nam, kiểm tra toàn diện điều kiện kinh doanh vận tải ô tô |
Những số liệu về hành vi xe chạy vi phạm tốc độ đã được dư luận và báo chí nhắc đến nhiều, nói đến nhiều. Câu chuyện dài tập này lại có thêm những số liệu mới nghe mà không khỏi rùng mình.
Đơn cử hai địa phương là Hà Nội và Quảng Ngãi.
Ở Hà Nội, trên cơ sở dữ liệu trên hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã ra quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm tốc độ của 819 phương tiện trong tháng 1/2023. Lý do thu hồi là trong 1 tháng phương tiện có từ 5 lần vi phạm tốc độ.
Trong số các phương tiện vi phạm, có nhiều phương tiện vi phạm tốc độ hàng trăm lần/tháng. Cá biệt có xe vi phạm tốc độ hơn 2.000 lần trong riêng tháng 1/2023. Trường hợp xe vi phạm tốc độ 2.040 lần trong tháng 1/2023 là xe hợp đồng mang biển kiểm soát 29B - 147xx của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ du lịch Hòa Phát. Xe đầu kéo biển kiểm soát 37C-327xx của Hợp tác xã dịch vụ vận tải Trường Hải, vi phạm tốc độ 942 lần.
Góp vào bảng “phong thần” tốc độ có cả xe bus, loại xe lẽ ra phải mang một hình ảnh thân thiện về cộng đồng. Có 26 xe bus hoạt động trên địa bàn Hà Nội vi phạm tốc độ; trong đó quán quân có lẽ là xe bus biển kiểm soát 29B-201xx chạy tuyến Hà Đông - Nội Bài vi phạm tốc độ gần 500 lần.
Ảnh minh hoạ |
Còn ở Quảng Ngãi, qua theo dõi Công ty TNHH Xe khách Miền Trung qua 1 tháng tại công ty này có 12 đầu phương tiện vi phạm về tốc độ với 1.539 lần cùng quãng đường gần 2.700 km. Tương tự là Công ty CP Bến xe Quảng Ngãi, có 8 phương tiện vi phạm về tốc độ với hơn 2.360 lần vi phạm với quãng đường gần 4.200 km
Cũng rùng mình không kém khi trích xuất dữ liệu giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam từ ngày 1 đến 31/1, Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ vận tải chất lượng cao Việt Thắng (xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) vi phạm về tốc độ với 6.131 lần trong tổng số km vi phạm là 12.348 km.
Doanh nghiệp này đã có 12 phương tiện kinh doanh xe khách chạy tuyến Quảng Ngãi - TP. Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày có đến hơn 200 lần vi phạm tốc độ.
Xe khách đã vậy nhưng đối với các doanh nghiệp vận tải thì tình trạng vi phạm tốc độ còn nghiêm trọng hơn khi số lần vi phạm về tốc độ chạy xe và quãng đường vi phạm khiến nhiều người rùng mình, bởi lẽ số lần vi phạm tính đến hàng nghìn và quãng đường lên đến hơn chục nghìn km.
Vấn đề không phải chỉ là số lần vi phạm, số km chạy quá tốc độ. Nếu tổng hợp số liệu tại các địa phương khác, nhất là những nơi có các tuyến quốc lộ huyết mạch chạy qua, chắc hẳn sẽ còn nhiều con số không kém phần kinh khủng.
Một phần của những lần chạy quá tốc độ đó đã chuyển thành các vụ tai nạn giao thông gây ra không biết bao tổn thất về kinh tế, xã hội cùng những đau thương tột cùng cho các gia đình nạn nhân.
Mức xử phạt với hành vi chạy xe vi phạm tốc độ lên đến hàng chục triệu đồng kèm theo thu giữ phương tiện, phù hiệu xe. Nghĩa là cũng đã đụng thẳng vào “nồi cơm” của lái xe, của doanh nghiệp sở hữu. Nhưng sau hết lại đâu vẫn vào đấy khi thuốc “răn đe” đã nhạt liều.
Có người chặc lưỡi: vì cuộc sống, vì miếng ăn mà người ta phải bất chấp. Xin không bình luận gì nữa vì câu trả lời cũng đã quá rõ: không thể “bất chấp” cái “bất chấp” này.
Có người quen đổ hết mọi tội lỗi cho cánh lái xe, khi chỉ cần biết nhấn ga, về số, lùi xe là có thể lên cầm tay lái xe khách hoặc xe tải, xe công như lâu nay.
Tất nhiên có không ít những tấm gương lái xe vì cộng đồng, rất đáng quý và được tôn vinh qua những giải thưởng liên quan đến an toàn giao thông. Nhưng hình như những tấm gương ấy không lan toả được hoặc nếu có chỉ ở một đội xe, một góc địa phương nào đó. Trong khi có không ít lái xe khác bị xã hội nhìn như những tội đồ còn phương tiện của họ bị coi là “hung thần” đường phố, “hung thần” xa lộ.
Ít ai truy đến cùng trách nhiệm của những ông giám đốc xí nghiệp, công ty nơi sở hữu xe. Đã có những báo cáo nào đủ sức nặng, nghiên cứu xã hội nào đủ sâu sắc để chỉ ra vai trò của những người gián tiếp liên quan đến bình an của cộng đồng, mạng sống của người khác.
Họ đã hành động gì để góp phần kéo giảm những thói quen ít nhiều “hoang dã” của các lái xe dưới quyền để giảm thiểu tai hoạ cho cộng đồng từ những lần, những cây số xe chạy vi phạm tốc độ.
Chừng nào những câu hỏi trên chưa có được câu trả lời, hoặc ít nhất có được những cam kết từ phía các chủ công ty, xí nghiệp xe thì cái câu hỏi lớn nêu ở đầu bài vẫn là một thách đố lâu dài với các cơ quan quản lý, bộ chủ quản.