Sau chế biến, các sản phẩm TRIVIE ở dưới 3 dạng: bột trái cây; trái cây sấy; nước cốt trái cây nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị của trái cây tươi nhờ dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ của các nước trong nhóm G7.
Chia sẻ về nỗi day dứt trước nghịch lý là đất nước của trái cây nhiệt đới nhưng bao năm qua vẫn cứ được mùa là mất giá, doanh nhân Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công ty Trí Việt cho biết, sau nhiều năm ấp ủ, tâm huyết với trái cây tươi Việt, với mong muốn đưa thương hiệu trái cây Việt đi xa hơn, công ty của ông chính thức ra đời tháng 3/2017. Sinh sau đẻ muộn ở một địa hạt đã có nhiều doanh nghiệp hoạt động, lại với quy mô không lớn, nhưng bản thân ông Trí cùng cộng sự đã có nhiều năm nghiên cứu và trực tiếp tham gia vào các lĩnh vực tư vấn đầu tư, sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Do đó, công ty có nhiều đối tác trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm, đối tác thương mại trong và ngoài nước.
Chia sẻ về ý tưởng tạo nên các sản phẩm TRIVIE, ông Trí cho biết: “Các nhà nhập khẩu nước ngoài sẵn sàng nhập các sản phẩm rau, củ, quả Việt Nam nếu đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm. Từ thực tế đó, tôi đã quyết định phải nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam thông qua chế biến, theo các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính, nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị, cũng như “bản sắc” của trái cây Việt Nam”.
Ông Trí chia sẻ, qua nhiều năm tìm tòi, thử nghiệm và liên kết cuối cùng sản phẩm TRIVIE cũng đã thành công, vừa phần nào giúp người nông dân bớt khó khăn về đầu ra sản phẩm, cũng như mang ước mơ của ông là đưa trái cây Việt Nam đi xa hơn thành hiện thực.
Cùng dòng với ý tưởng của Giám đốc Trí, chuyên gia - TS Lê Xuân Hảo – Viện Cơ điện Nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) đánh giá: “Nông sản an toàn thì không thiếu thị trường, có điều doanh nghiệp có biết cách làm hay không thôi. Cách làm của Trí Việt là bước khởi đầu thành công nhằm nâng giá trị cho nông sản Việt”. TS Hảo cũng cho rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, đây cũng là xu hướng tất yếu đặt ra cho cả ngành nông nghiệp của Việt Nam. Đó là chuyển hướng cơ cấu theo hướng nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, có tỷ suất hàng hóa cao gắn với nhu cầu thị trường khu vực và thế giới. “Làm được như vậy thì nông nghiệp Việt Nam không có lý gì không thể cạnh tranh trong xu thế hội nhập hiện nay”, ông Hảo nói.
Tham vọng của người đứng đầu TRIVE không chỉ là phủ sóng các sản phẩm ở trong nước mà còn vươn xa ra các nước trên thế giới. Tuy mới ra mắt, nhưng các sản phẩm TRIVIE đã có mặt tại hầu khắp các tỉnh thành Việt Nam thông qua việc phân phối trong hệ thống siêu thị của Hapro trên toàn quốc, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Hiện tại nhiều đối tác nước ngoài đã tìm đến TRIVIE như: Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Ukraine, Bỉ, Nga, Mỹ, Pháp, Canada… Bột trái cây TRIVIE cũng đã được nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước quan tâm sử dụng làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm của mình.
"Hiện công ty đã có đơn đặt hàng của Hàn Quốc với số lượng 1 tấn bột/tháng. Bên cạnh đó, đã có 5 nhà máy đặt hàng sản phẩm của công ty; trong đó có 3 nhà máy của nước ngoài" - ông Trí cho hay.
Điều cốt yếu với công ty Trí Việt bên cạnh ổn định đầu ra là phải tạo dựng được nguồn nguyên liệu đầu vào. Hiện công ty có 3 vùng nguyên liệu tại miền Tây, Tây Nguyên. Nguồn nguyên liệu được công ty Trí Việt chọn lựa từ các trang trại trồng chanh, chanh dây, xoài, sầu riêng, bơ… lớn trên các vùng chuyên canh của cả nước. Riêng trang trại chanh, quất rộng 13 ha huyện Bến Lức, tỉnh Long An của công ty mỗi tháng cung ứng 15 tấn quả.
Tự tin vào khát vọng nâng tầm trái cây Việt, Giám đốc Trí cho biết, công ty sẽ tăng sản lượng bình quân lên 40 tấn/ha/năm vào năm tới. Tại đây, công ty áp dụng kỹ thuật chăm sóc mới với phân bón riêng cho cây chanh, quất, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đúng theo quy định và kỹ thuật; xử lý thuốc theo công nghệ phun khói của Hàn Quốc; bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và đủ điều kiện xuất khẩu quả chanh tươi vào các thị trường khó tính.