Thưa Đại sứ, bà đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị cho APEC 2017?
Tiếp nối kỳ APEC mà Việt Nam đăng cai rất thành công năm 2006, đối với APEC 2017, Việt Nam phải có nhiều đóng góp hơn với tinh thần chủ động, tích cực khởi xướng và tham gia định hình. Do đó, các Bộ, ngành đang tích cực chuẩn bị, đề xuất sáng kiến, ý tưởng để tổ chức tốt hơn, đáp ứng yêu cầu mới của hợp tác, liên kết APEC.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga - Cố vấn cao cấp Ban thư ký APEC Việt Nam 2017 |
Dự kiến, Việt Nam phải chuẩn bị tổ chức 200 hội nghị, cuộc họp lớn nhỏ, trong đó có 20 hội nghị cấp SOM trở lên và Tuần lễ cấp cao. Ngay từ cuối năm 2013, đầu năm 2014, chúng ta đã thành lập Nhóm công tác liên ngành. Từ giữa năm 2015, Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia APEC 2017. Trong thời gian ngắn, Việt Nam đã triển khai tích cực, chu đáo trên tất cả các lĩnh vực nội dung, vật chất, hậu cần, tuyên truyền, lễ tân cho đến đào tạo cán bộ; chủ động tham vấn, tranh thủ được sự đồng lòng, ủng hộ rộng rãi của các đối tác quốc tế và các nền kinh tế thành viên APEC. Hiện nay, chúng tôi đang cùng với các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh thông tin về những lợi ích mà APEC đem lại.
Chúng tôi cũng hy vọng công tác chuẩn bị sẽ tạo cú hích phát triển, tăng thêm quan hệ đối tác, thu hút thêm nguồn lực, đồng thời tăng cường quảng bá cho Việt Nam.
Xin Đại sứ chia sẻ các phần việc mà chúng ta đã hoàn thành để chuẩn bị cho hội nghị quốc tế cấp cao này?
Công tác chuẩn bị cho APEC qua 3 tầng nấc chính. Trước mắt, chuẩn bị nội dung và phục vụ Chủ tịch nước tham dự Tuần lễ cấp cao tại Peru vào tháng 11 năm nay. Về nội dung, chúng tôi ước tính đã hoàn thành khoảng 90%. Công tác vật chất hậu cầu cơ bản trong năm nay phải chuẩn bị xong với khoảng 70%.
Việt Nam cũng phải chuẩn bị tổ chức 7 - 8 Hội nghị Bộ trưởng, diễn ra từ giữa năm 2017. Công tác chuẩn bị vẫn đang được triển khai với tốc độ cao nhất có thể. Ngay từ tháng 12 năm nay, chúng ta sẽ tổ chức cuộc họp Quan chức cao cấp APEC không chính thức đầu tiên. Cao điểm nhất là chuẩn bị tổ chức Tuần lễ Cấp cao vào khoảng cuối năm 2017. Công tác chuẩn bị sẽ phải cơ bản hoàn tất trong 6 tháng đầu năm 2017.
Đại sứ có thể cho biết những sáng kiến của Việt Nam tại APEC 2017?
Hiện nay, các Bộ, ngành vẫn đang tích cực nghiên cứu để đưa ra những sáng kiến, đề xuất tại các Hội nghị APEC 2017. Những sáng kiến của Việt Nam sẽ tập trung vào các quan tâm, ưu tiên lớn của APEC, trong đó, tập trung nhiều vào vấn đề tăng trưởng chất lượng, kết nối, tái cơ cấu kinh tế phù hợp với yêu cầu của Việt Nam và yêu cầu mới của APEC hiện nay trong tình hình suy giảm tốc độ tăng trưởng của khu vực. Chúng ta cũng có những sáng kiến về tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - ưu tiên của Việt Nam và APEC đến 2025.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; giảm khoảng cách phát triển, kết nối vùng sâu, vùng xa, nông nghiệp, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước…, những vấn đề không chỉ Việt Nam mà các nước khác cũng đang rất quan tâm.
Việt Nam kỳ vọng gì ở APEC 2017, thưa Đại sứ?
Đối với Việt Nam, APEC đem lại những lợi ích sát sườn. 20 thành viên APEC chiếm tới 79% thương mại của Việt Nam, 78% đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, 80% doanh thu từ du lịch, và hiện có 80% sinh viên Việt Nam đang học tập tại các nền kinh tế APEC.
APEC 2017 có ý nghĩa rất thiết thực đối với nước ta trong việc tranh thủ mạnh mẽ hơn nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương; tăng cường ký kết các hợp đồng, dự án hợp tác của các địa phương, doanh nghiệp. Đây là dịp để quảng bá Việt Nam rộng rãi trên trường quốc tế.
Chúng tôi mong muốn có thể xây dựng văn hóa hội nhập qua APEC 2017. Theo đó, Việt Nam sẽ thể hiện tinh thần “hội nhập chủ động và có trách nhiệm, hợp tác sâu rộng” với các đối tác quốc tế và giữa các vùng, miền trên cả nước.
Xin cảm ơn Đại sứ!