Bàn giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt Longform | 'Xanh hoá' sản phẩm, khẳng định thương hiệu nông sản trên thị trường |
Cần thiết phải xây dựng thương hiệu
Câu chuyện nêu trên bà Võ Thị Tam Dân - Giám đốc Công ty CP Trà Rồng Vàng chia sẻ trong một tọa đàm về “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt”, cho thấy sự cần thiết phải xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản.
Việt Nam là nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, tiêu, điều, trái cây, rau quả, thủy hải sản... Hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn với địa danh. Song hiện nay vẫn rất ít sản phẩm nông sản được đăng ký bảo hộ thương hiệu. Nhiều nông sản xuất khẩu của Việt Nam chưa có logo, nhãn mác riêng, chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu… Chính điều này khiến giá trị của các mặt hàng thấp.
Cần thiết phải xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt. Ảnh: Thanh Thúy |
Cùng bàn về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Anh Tùng - nhà sáng lập Foodmap nhớ lại thời điểm 6 năm trước, chè ô long của Việt Nam chỉ bán được với giá 9 USD/kg, trong khi Đài Loan xuất khẩu cùng loại này sang Mỹ với giá lên tới 100 USD/kg. Ông Tùng nhấn mạnh, hầu hết sản phẩm nông sản của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô. Nếu biết cách gia tăng giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu và cải thiện chất lượng, chúng ta hoàn toàn có thể tăng giá trị xuất khẩu gấp đôi, thậm chí gấp ba lần.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, xây dựng thương hiệu cho nông sản là cần thiết, bởi vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của Việt Nam.
Rõ ràng, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản sẽ mang lại giá trị cao nhưng vì sao tới 80% sản lượng nông sản xuất khẩu Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng…?
Một chuyên gia kinh tế đã phân tích, điều này cho thấy Việt Nam mới tham gia được ở khâu tạo ra giá trị ít nhất trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Nguyên nhân bắt nguồn từ cả 3 bên (Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân). Chẳng hạn, việc quảng bá thương hiệu cho nông sản Việt chưa đủ mạnh. Trong khi đó doanh nghiệp không có diện tích đủ lớn nên muốn xuất khẩu thì phải qua thương lái là chính. Còn nông dân cũng chưa muốn “phá bờ thửa ruộng” của mình để tham gia sản xuất lớn. Nếu giải quyết những khó khăn đó thì việc xây dựng thương hiệu nông sản sẽ dễ dàng hơn.
Những tín hiệu tích cực
Câu chuyện phát triển nghề nuôi ong lấy mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP ở huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) là tín hiệu tích cực. Tận dụng diện tích rừng lớn hơn 79,5 nghìn ha, trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đã có nhiều mô hình nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cho các hộ gia đình, hợp tác xã.
Tính đến thời điểm này, Nậm Nhùn đã được hỗ trợ 1.249 thùng nuôi ong cho 2 hợp tác xã và 18 hộ dân, với tổng kinh phí trên 874 triệu đồng. Các hộ nuôi ong chú trọng áp dụng kỹ thuật trong khâu nuôi, khai thác, bảo quản mật. Nhờ đó đã xây dựng thành công 3 sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, là: Mật ong nơi thượng nguồn sông Đà; mật ong hoa mắc ca Lê Lợi; mật ong hoa rừng Lê Lợi. Thời gian tới dự kiến sẽ có thêm mật ong tinh bột nghệ nơi thượng nguồn Sông Đà, phấn ong nơi thượng nguồn Sông Đà.
Với giá trị kinh tế đạt từ 2-2,5 triệu đồng/thùng/năm nhiều hộ dân ở Nậm Nhùn không chỉ thoát nghèo mà còn xác định là hướng phát triển kinh tế mới có thể làm giàu.
Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật ong, cơ quan chuyên môn của huyện Nậm Nhùn đã tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đầu tư máy móc, trang thiết bị đảm bảo quy trình khai thác, chế biến, bảo quản sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì và đăng ký nhãn hiệu. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn, thị trường.
Còn tại Thanh Hóa, là địa phương có nhiều nông sản nên tỉnh xác định việc xây dựng và phát triển thương hiệu là “điểm tựa” để các sản phẩm nông sản phát triển bền vững, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo đó, ngành nông nghiệp và các địa phương ở Thanh Hóa đã tập trung quy hoạch vùng trồng, xây dựng vùng chuyên canh theo hướng VietGAP, GlobalGAP, Organic... Đồng thời, tích cực thu hút đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm cây ăn quả để nâng cao giá trị sản phẩm.
Hiện đã có một số sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể như cam, ổi Như Xuân; cam Vân Du (Thạch Thành); dưa hấu Mai An Tiêm (Nga Sơn); bưởi Luận Văn (Thọ Xuân) được cấp chỉ dẫn địa lý... và các sản phẩm OCOP tại các huyện Thọ Xuân, Như Xuân, Thạch Thành, Yên Định...
Qua thống kê, tỉnh Thanh Hóa có 62 văn bằng bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề và 42 sản phẩm nông, lâm, thủy sản khác được chứng nhận nhãn hiệu.
Bản thân người dân nơi đây cũng nhận thấy, những con số nêu trên còn khá khiêm tốn so với số lượng gần 200 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Nguyên nhân dẫn đến sự “hạn hẹp” về thương hiệu nông sản là do người dân và cả cơ quan quản lý nông nghiệp chưa có ý thức xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình.
Câu chuyện của tỉnh Thanh Hóa chỉ là một ví dụ. Tình trạng này đang tồn tại ở nhiều địa phương trong cả nước. Để phát huy giá trị sản phẩm, giới chuyên gia cho rằng, các địa phương cần tiếp tục khuyến khích tổ chức, cá nhân đổi mới, nâng cao quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm; chú trọng đầu tư xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản gắn với thế mạnh của từng vùng, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu.
Đặc biệt, cần nhìn nhận ở khía cạnh mỗi sản phẩm nông sản đều là “sứ giả văn hóa” của một địa phương. Mỗi sản phẩm thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân nơi đó. Du khách trong quá trình tham quan, mua sắm sản phẩm luôn có nhu cầu được thông tin đầy đủ về điểm đặc biệt của sản phẩm, từ nguồn nguyên liệu, quá trình chế biến, sản xuất và cả giá trị sử dụng...
Do vậy, việc xây dựng thương hiệu nông sản không thể chần chừ được khi nó trực tiếp tạo gia giá trị kinh tế cũng như góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.
Mặc dù lọt vào tốp 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn của thế giới, thế nhưng nông sản của Việt Nam hiện vẫn chủ yếu xuất thô, giá trị kinh tế chưa cao, thậm chí phải mang thương hiệu của nước ngoài. |