Tỷ trọng xuất khẩu cà phê chế biến tăng 2,9%
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê chế biến năm 2021 đạt 569,46 triệu USD, tăng 2,9% so với năm 2020. Cơ cấu thị trường xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam lên tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Việt Nam tập trung xuất khẩu sang một số thị trường ASEAN, châu Âu, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam sang nhiều thị trường chính tăng so với năm 2020, ngoại trừ Philippines, Nga, Đức, Hàn Quốc, trong đó xuất khẩu cà phê chế biến sang Indonesia tăng trưởng tới 114,9%, đạt 32,21 triệu USD.
Xuất khẩu cà phê chế biến năm 2021 đạt 569,46 triệu USD, tăng 2,9% so với năm 2020 |
Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc điều hành Meet More Coffee - cho biết, sau hai năm nghiên cứu, chúng tôi cho ra đời sản phẩm cà phê hòa tan trái cây như dừa, đậu xanh, bạc hà, khoai môn, xoài… góp phần đưa cà phê trở thành thức uống hàng ngày.
Theo ông Luận, cà phê nông sản Việt là một sản phẩm khác biệt, giúp giải nhiều bài toán, đặc biệt là hỗ trợ tiêu thụ nông sản như hiện nay. Tuy nhiên, việc làm này hiện mới chỉ dừng ở mức tự phát và thiếu yếu tố mang tính bền vững. Để thay đổi, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp trong nước tập trung nghiên cứu, đầu tư chế biến sâu và khác biệt để tạo ra các dòng sản phẩm đa dạng; đồng thời xây dựng chiến lược truyền thông dài hạn cho việc tuyên truyền “Người Việt Nam tự hào sử dụng hàng Việt”.
Ông Trần Hải Linh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) - chia sẻ, mỗi năm thị trường Hàn Quốc tiêu thụ rất nhiều cà phê, tuy nhiên, cà phê Việt Nam vào nước này chủ yếu là dạng thô. VKBIA cho biết, thông qua đối tác Hàn Quốc, đơn vị này đã sơ chế cho phù hợp với khẩu vị người Hàn và thu được “thành công đáng kể”.
Về góc độ cá nhân, ông Trần Hải Linh cho rằng, ngành nông nghiệp vẫn gặp những khó khăn nhất định. Đó là vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán, không tập trung, chưa đáp ứng được các thị trường khó tính ở nước ngoài. Tiếp đó là tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, của đại dịch. Ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế vẫn chưa tạo ra bước đột phá mạnh, tạo ra các sản phẩm cạnh tranh trên thị trường.
Mặt khác, đầu ra của nông sản Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể là các thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gia tăng “bảo hộ nông sản quốc nội” thông qua các “rào cản kỹ thuật” như an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc.
Trong hai năm qua, các sản phẩm của Việt Nam đã xuất hiện trên các siêu thị lớn tại Hàn Quốc. Sản phẩm cũng xuất hiện trong các khu vực có đông người Việt. Ông Trần Hải Linh cho rằng, mô hình này có thể áp dụng được ở nhiều nước khác, tập trung thêm vào chế biến sau thu hoạch.
Khẳng định, ứng dụng khoa học kỹ thuật là điều “then chốt” để phát triển nông nghiệp, ông Trần Hải Linh cho biết, tháng 12/2021, chúng tôi đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Lai Châu, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức hội thảo, mời chuyên gia Hàn Quốc sang cùng người dân Lai Châu khôi phục, phát triển dòng sâm Lai Châu. “Sâm ở Lai Châu cũng là sản phẩm mà VKBIA cho rằng hoàn toàn có thể mang lại giá trị cao hơn”, ông Trần Hải Linh cho biết thêm.
Chế biến sâu - nâng cao giá trị nông sản Việt
Ngoài xuất khẩu, thị trường nội địa cũng được xem là tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm cà phê chế biến. Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, những năm gần đây, sự phát triển của các hàng quán cà phê, hệ thống cung ứng cà phê, nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, tiêu thụ cà phê trong nước tăng nhanh. Tuy vậy, mức tiêu thụ trong nước mới đạt không quá 10% so với mức 35% của Indonesia và Brazil.
Là một trong những doanh nghiệp tập trung chế biến sâu cà phê, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh - cho rằng, thị trường nội địa cũng là một miếng bánh ngon nếu biết cách khai thác. Để chinh phục thị trường nội địa, một trong những cách làm thương hiệu đó chính là bao bì đẹp. Việc này sẽ khiến khách hàng tò mò và sẽ mua thử. Họ thấy ngon và lần tới sẽ tiếp tục ủng hộ. Ngoài ra thương mại điện tử giúp chúng tôi tiếp cận tốt hơn đến khách hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Luận đánh giá, ngành nông nghiệp có thế mạnh là những loại trái cây giàu chất dinh dưỡng, giàu các loại vitamin và bổ dưỡng và chỉ có ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nước ta còn hạn chế trong việc tận dụng để chế biến thành những loại nước uống hàng ngày, hoặc chế biến ra các sản phẩm khác cho người dân trong nước sử dụng. Điều này rất quan trọng đối với 60 triệu nông dân, và 100 triệu người dân Việt Nam, bởi nếu làm được, chúng ta có thể giúp người dân được sử dụng những loại thực phẩm chất lượng cao ngay chính tại đất nước chúng ta, có thể thay thế được các sản phẩm nhập khẩu.
Riêng đối với ngành cà phê, hiện, cả nước có 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan. Số lượng các cơ sở chế biến sâu còn ít và đa phần hoạt động dưới công suất thiết kế. Trong 10 năm tới (2030), mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5 - 6 tỷ USD, tức gấp hơn 2 lần so với hiện tại. Điều này đồng nghĩa ngành cà phê buộc phải tập trung vào chế biến sâu, nâng tỷ lệ cà phê chế biến từ dưới 10% như hiện nay lên khoảng 25% hoặc thậm chí phải hơn vậy.
Trong bài toán nâng cao giá trị nông sản Việt nói chung và cà phê nói riêng, ông Nguyễn Ngọc Luận cho rằng cần đề cao chế biến sâu để phát triển giá trị gia tăng. Đây cũng là yếu tố then chốt để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tại thị trường nội địa và quốc tế.