Xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung Khởi công xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị |
Chiều 6/7, Quảng Trị đã chính thức khởi công dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Dự án do liên danh nhà đầu tư T&T - CIENCO 4 xây dựng. Cụ thể, Cảng hàng không Quảng Trị được thực hiện tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh. Dự án có quy mô hơn 265 ha, được xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II, có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.
Phối cảnh Càng hàng không Quốc tế Quảng Trị. Ảnh: Chủ đầu tư T&T - CIENCO 4 |
Như vậy, sau khi Cảng hàng không Quảng Trị được xây dựng, đồng nghĩa các tỉnh miền Trung đều có sân bay, và khoảng cách giữa các sân bay chỉ từ 70 tới 100km. Trong đó, từ sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) tới Quảng Trị chỉ 100km, tiếp đó tới sân bay Quốc tế Huế là 70km, và từ Huế tới sân bay Quốc tế Đà Nẵng khoảng 100km, và cách Đà Nẵng chưa đầy 100km là sân bay Chu Lai.
Việc xây dựng sân bay Quảng Trị thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đây không phải là lần đầu dư luận dành sự quan tâm bàn luận về vấn đề này. Trước đó, khi các tỉnh như Lai Châu, Lào Cai,… đề xuất xây dựng sân bay cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau bởi khoảng cách là quá gần, cùng nhiều yếu tố khác.
Nhiều ý kiến cho rằng, ở Quảng Trị nếu di chuyển giữa các tỉnh lân cận, đi đường bộ với hệ thống cao tốc như hiện nay chỉ hơn 1 giờ đồng hồ. Nếu di chuyển bằng đường hàng không, người dân làm thủ tục bay đã hết 1 giờ đồng hồ, chưa nói đến chuyện bị chậm, hoãn chuyến bay. Ngoài ra nếu đường sắt được nâng cấp thì các sân bay sẽ trở thành câu chuyện những cái chợ, bến xe… bỏ phí.
Còn có ý kiến cho rằng, đất nước trải dài thì việc mỗi tỉnh có một sân bay sẽ là điều tốn kém và không hiệu quả. Hệ thống đường sắt và có sự kết nối với hệ thống sân bay đang có sẽ là sự tối ưu để di chuyển.
Bình luận về những ý kiến trên, nhiều ý kiến cho biết, không nhất thiết phải trên 100km mới có sân bay hay đã có đường cao tốc như Huế - Cam Lộ thì không cần sân bay. Có một thực tế là do đặc thù mỗi địa phương và hơn nữa để tạo cú hích phát triển kinh tế và du lịch thì việc xây dựng sân bay Quảng Trị là rất cần để cất cánh cho tỉnh – Hiện thực hoá khát vọng "Mở cửa bầu trời, cất cánh bay lên".
Về du lịch biển, Quảng Trị có những bãi biển rất đẹp như cửa Việt, nhưng nhiều năm qua chưa thể khai thác và vẫn ở dạng tiềm năng, khách du lịch ở đây chủ yếu là người địa phương đi về trong ngày. Nếu khách du lịch sử dụng sân bay Đồng Hới hoặc Phú Bài phần lớn là chọn đi biển Nhật Lệ hoặc Lăng Cô, và ít ai chuyển tiếp cả trăm km tới Cửa Việt để tắm biển.
Nếu sân bay Quảng Trị hoàn thiện thì từ hai đầu như Hà Nội, Sài Gòn hay Nha Trang…du khách có thể bay thẳng đi về Quảng Trị thay vì đến Huế hay Quảng Bình rồi tốn thêm vài giờ đồng hồ đến Quảng Trị.
Đáng chú ý, tỉnh Quảng Trị không chỉ nổi tiếng với những bãi biển tuyệt đẹp, mà còn có bề dày lịch sử, với những địa danh như Thành Cổ Quảng Trị. Đây là một trong những địa điểm sử nổi tiếng của cả nước.
Phần lớn ý kiến đồng tình và mong sân bay Quảng Trị sớm hoàn thiện để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, bởi hạ tầng giao thông Quảng Trị còn nhiều hạn chế, cao tốc Cam Lộ chỉ có 1 làn xe chạy không đáp ứng được nhu cầu đi lại, các huyện vùng sâu của Quảng Trị giao thông hạn chế, cuộc sống người dân khó khăn đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy dự án sân bay Quảng Trị là rất cần thiết để tiến hành đầu tư xây dựng.
Hơn nữa, việc xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, xã hội mà đồng thời còn đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực Trung Bộ nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng; phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải.
Người dân hy vọng, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị sẽ chứa đựng một ý nghĩa vô cùng lớn lao - trở thành biểu tượng của hòa bình, của hợp tác phát triển và hội nhập; là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của mảnh đất Quảng Trị anh hùng như lời Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng nói, chứ không phải xây dựng sân bay theo “phòng trào”.