Chính thức ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc |
Sau sầu riêng, chanh leo, Việt Nam đang tiến hành đàm phán để xuất khẩu chính ngạch tổ yến (yến sào) sang thị trường Trung Quốc.
Sau sầu riêng, chanh leo, sẽ đến tổ yến
Cùng với việc đàm phán để xuất khẩu chính ngạch một số loại trái cây sang Trung Quốc, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tích cực phối hợp triển khai các giải pháp thúc đẩy nhanh khai thông xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến và các sản phẩm từ yến sang các thị trường tiềm năng, nhất là thị trường Trung Quốc.
Thu hoạch sầu riêng để xuất khẩu |
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho hay, ngay từ năm 2018, yến sào đã là một trong các sản phẩm Bộ NN&PTNT đàm phán và gửi hồ sơ đến Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Kết quả đàm phán trực tuyến thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch tổ yến (yến sào) sang Trung Quốc cho kết quả khả quan. “Với sản phẩm tổ yến, chúng ta đã tổ chức đàm phán trực tuyến nhiều lần với Trung Quốc. Trong lần đàm phán gần đây nhất, kết quả đàm phán với Trung Quốc rất tốt, hy vọng chúng ta sớm có thể xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Nhu cầu nhập khẩu tổ yến của Trung Quốc rất lớn, trong khi tiềm năng xuất khẩu tổ yến (yến sào) của Việt Nam rất dồi dào, chất lượng tổ yến Việt Nam đã được khẳng định. Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, ngành yến của Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, cả nước có 22.087 nhà nuôi chim yến. Sản lượng yến của Việt Nam hiện đạt trên dưới 120 tấn, giá trị tương đương 450 triệu USD. Ngành yến Việt Nam mới chỉ bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2010, với sản lượng chiếm khoảng 3% sản lượng tổ yến toàn cầu.Tuy là đặc sản có giá trị kinh tế cao của Việt Nam, nhưng tổ yến là sản phẩm mới, giá trị sản xuất chưa thể so sánh với các sản phẩm nông nghiệp truyền thống và chưa được xếp vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia.
Khảo sát nhu cầu của một doanh nghiệp ở Phúc Kiến (Trung Quốc) cho thấy, hiện sản lượng yến của Việt Nam có thể xuất khẩu chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của họ. Vì vậy, khi nghị định thư xuất khẩu chính ngạch yến sang Trung Quốc được ký kết thì cơ hội cho ngành hàng triệu đô này ngày càng rộng mở.
Mở đường cho trái cây
Hiện nay, Việt Nam có 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, trong đó 3 loại trái cây đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật gồm măng cụt, chanh leo, sầu riêng. 8 loại trái cây truyền thống của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (gồm chuối, xoài, vải, nhãn, dưa hấu, thanh long, mít và chôm chôm) chưa ký Nghị định thư.
Việc ký kết Nghị định thư về dài lâu đem lại nhiều kết quả rất tích cực vì toàn bộ việc buôn bán sẽ thông qua hợp đồng, giúp ổn định đầu ra, tránh bị thương lái ép giá. Đương nhiên, nếu hàng hóa không đảm bảo chất lượng như đã ký kết trong hợp đồng, cũng có thể xảy ra tình trạng đối tác từ chối nhận hàng.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đang khẩn trương phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đàm phán trao đổi kỹ thuật, tiến hành xây dựng các Nghị định thư đối với 8 loạt quả xuất khẩu truyền thống. Bên cạnh đó, để có thể thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng trái cây sang thị trường Trung Quốc, phải xây dựng vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; quản lý chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị, các doanh nghiệp bắt buộc phải thích ứng với thay đổi của thị trường và nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. |