Giá điện sẽ được điều hành theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm |
Xin ông cho biết vì sao vừa qua Bộ Công Thương giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi?
Giá điện đã được điều hành đúng chủ trương của Đảng và nhà nước, theo cơ chế thị trường. Một mặt bảo đảm cho doanh nghiệp thu hồi được chi phí sản xuất, có lợi nhuận hợp lý, đồng thời bảo đảm chính sách an sinh xã hội thông qua hỗ trợ tiền điện trực tiếp cho người nghèo, gia đình chính sách. Với mức hỗ trợ 49.000 đồng/tháng, năm 2015, tổng số tiền hỗ trợ ước khoảng 2.100 tỷ đồng. Biểu giá điện 6 bậc thang với mức giá tăng dần cũng khuyến khích sử dụng điện sinh hoạt tiết kiệm, hiệu quả nhất là trong bối cảnh nguồn năng lượng sơ cấp ngày càng cạn kiệt.
Tuy nhiên, kế từ khi áp dụng biểu giá bán lẻ điện từ 16/3/2015, Bộ Công Thương đã nhận được 3 nhóm ý kiến chính như: có nên duy trì biểu giá theo lũy tiến hay không? cơ sở của mốc tiêu thụ 50kWh đầu tiên; có nên giảm số bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện?... Là doanh nghiệp đang nắm giữ thị phần chi phối trong khâu phân phối bán lẻ, EVN được giao xây dựng đề án nghiên cứu về thực trạng thực hiện các quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và các đề xuất của EVN về thay đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt… Nội dung của đề án chỉ là thay đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ, cụ thể là xem xét các phương án về số bậc thang lũy tiến, khoảng cách giữa các bậc và giá điện áp dụng cho từng bậc thang. Trong quá trình xây dựng đề án, EVN đã thực hiện theo nguyên tắc: các phương án giá điện đưa ra phải được tính toán trên cơ sở mức giá bán lẻ điện bình quân được duyệt là 1.622,01 đồng/kWh, do vậy, doanh thu của EVN sẽ không bị thay đổi tăng hoặc giảm nếu không thay đổi sản lượng điện thương phẩm. Sau khi tổ chức hội thảo tại ba miền Bắc, Trung, Nam để lấy ý kiến của các cơ quan, EVN sẽ trình Bộ Công Thương đề án nghiên cứu trên
Với 3 phương án EVN đề xuất, hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau, là cơ quan quản lý nhà nước về giá điện, xin ông cho biết những nguyên tắc chính trong việc xây dựng cơ cấu biểu giá?
Việc có nhiều ý kiến khác nhau về giá điện cũng là điều dễ hiểu, bởi trong xã hội có sự phân tầng khác nhau, đặc biệt giá điện có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân. Qua hai hội thảo mới tổ chức ở Hà Nội và Đà Nẵng, đa số các ý kiến của các đại biểu đều nhất trí áp dụng biểu giá bậc thang lũy tiến. Tuy nhiên, ở hội thảo tại Hà Nội, các đại biểu đề nghị xem xét lại khoảng cách giá điện giữa các bậc thang, trong khi ở hội thảo tại Đà Nẵng lại chủ yếu đề xuất giảm giá cho các hộ sử dụng dưới 150 kWh/tháng và tăng giá cho nhóm đối tượng sử dụng trên 150 kWh/tháng để cân đối biểu giá.
Là cơ quan tham mưu cho Bộ Công Thương trong công tác xây dựng các cơ chế, chính sách về giá điện, trước tiên chúng tôi phải tuân thủ các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. ERAV rất chú trọng trao đổi với các nhà quản lý, các nhà khoa học, tham khảo ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế, kỹ thuật để xem xét đánh giá rút kinh nghiệm những ưu điểm và tồn tại để đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp. Theo đó, giá điện sẽ được điều hành theo các nguyên tắc chính như: bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giá bán điện cho từng bậc cao hơn giá thành sản xuất, kinh doanh điện; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và công bằng xã hội; bảo đảm thuận lợi cho hộ sử dụng điện cũng như quản trị doanh nghiệp; nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện; giảm bù chéo giữa các đối tượng khách hàng; thực hiện chính sách an sinh xã hội thông qua hỗ trợ tiền điện trực tiếp cho người nghèo, gia đình chính sách.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ làm gì để đưa ra cơ cấu biểu giá hợp lý, bảo đảm lợi ích cho nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhất là vấn đề an sinh xã hội, khuyến khích tiết kiệm điện, đầu tư phát triển nguồn điện?
Theo quy định tại Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ, Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước các nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động điều tiết điện lực, trong đó bao gồm cả việc nghiên cứu, xây dựng biểu giá bán lẻ điện và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về giá điện; kiểm tra việc thực hiện biểu giá điện đã được phê duyệt.
Về kế hoạch sắp tới, trong tháng 9/2015, EVN sẽ hoàn chỉnh việc tổ chức hội thảo ở 3 miền về đề án cải tiến cơ cấu biểu giá. Trên cơ sở ý kiến góp ý tại hội thảo của các bộ, ngành, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu kinh tế, EVN sẽ hoàn thiện đề án, gửi ERAV trong tháng 10/2015. Trên cơ sở đó, ERAV phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh báo cáo đánh giá các ưu điểm và những tồn tại trong triển khai thực hiện Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg trình lãnh đạo Bộ Công Thương ký Tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Nếu được đồng ý, Bộ Công Thương sẽ triển khai xây dựng dự thảo thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định.
Xin cảm ơn ông!
TIN LIÊN QUAN | |
Hội thảo cơ cấu biểu giá điện: Nhiều quan điểm đồng nhất | |
Rút gọn biểu giá điện bậc thang theo hướng minh bạch, thuận lợi cho khách hàng | |
Rút gọn biểu giá điện bậc thang: Tạo sự đồng thuận từ khách hàng |