Tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) |
Cơ hội chia sẻ kết quả đạt được
Ngày 19/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Xây dựng Rà soát quốc gia tự nguyện về mục tiêu phát triển bền vững (VNR) của Việt Nam năm 2023.
Theo thông tin từ hội thảo, Chương trình nghị sự 2030 được các nước thành viên Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9 năm 2015 với trọng tâm là 17 mục tiêu phát triển bền vững SDGs. Trong đó Rà soát quốc gia tự nguyện (VNRs) về thực hiện các mục tiêu SDGs được xem là một cơ chế để theo dõi và đánh giá việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu SDGs trên phạm vi toàn cầu. Hằng năm, trong khuôn khổ Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững của Liên hợp quốc (HLPF), các quốc gia sẽ tham gia trình bày rà soát quốc gia tự nguyện.
Việt Nam đã lần đầu tiên xây dựng và tham gia trình bày Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) vào năm 2018 |
Đánh giá về tầm quan trọng của báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng: Rà soát quốc gia tự nguyện được xem là cơ hội để các quốc gia chia sẻ kết quả đạt được, các thách thức đặt ra cũng như bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và đề xuất các khuyến nghị nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
“Bên cạnh đó, quá trình xây dựng Rà soát quốc gia tự nguyện là một cơ hội để nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của các bên liên quan trong thực hiện SDGs. Rà soát quốc gia tự nguyện cũng tạo cơ hội thúc đẩy quan hệ đối tác giữa chính phủ và các bên liên quan, tăng cường gắn kết chính sách cũng như việc thu thập và phân tích số liệu thống kê nhằm tạo cơ sở cho việc giám sát và đánh giá thực hiện SDGs” – bà Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin.
Việt Nam đã lần đầu tiên xây dựng và tham gia trình bày Rà soát quốc gia tự nguyện vào năm 2018, nhằm chia sẻ bài học kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu SDGs và đã được các nước đánh giá cao về sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả nội dung và hình thức trình bày Rà soát quốc gia tự nguyện.
Cùng với đó, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs đã đạt được những bước tiến quan trọng, cụ thể: Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh, từ mức 9,2% năm 2016 xuống còn 4,36% năm 2021; Chỉ số bao phủ các dịch vụ y tế thiết yếu cao hơn mức chung toàn cầu. Năm 2021, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,01% dân số; Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh năm 2021 là 98,1% so với 93% của năm 2016 là 93%.
Rà soát quốc gia tự nguyện (VNRs) về thực hiện các mục tiêu SDGs được xem là một cơ chế để theo dõi và đánh giá việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 |
Nhấn mạnh yếu tố “không ai bị bỏ lại phía sau”
Năm 2023 là năm mà toàn cầu đi được một nửa chặng đường trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs và cũng tròn 5 năm Việt Nam tham gia Rà soát quốc gia tự nguyện lần thứ nhất.
Với mong muốn chia sẻ kết quả đạt được, khó khăn thách thức và bài học kinh nghiệm trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs, Việt Nam đã tiến hành đăng ký và được Liên hợp quốc công bố chính thức là một trong 42 quốc gia sẽ tham gia trình bày Rà soát quốc gia tự nguyện năm 2023. Hội thảo ngày hôm nay là hoạt động đầu tiên, khởi động cho quá trình xây dựng Rà soát quốc gia tự nguyện năm 2023 của Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, các mục tiêu phát triển bền vững SDGs hiện đã trở thành mục tiêu xuyên suốt trong các chiến lược, chính sách quốc gia, ngành và lĩnh vực, trong đó yếu tố “không ai bị bỏ lại phía sau” luôn được nhấn mạnh trong các chính sách của Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Thông qua việc tham gia rà soát quốc gia tự nguyện năm 2023, Việt Nam mong muốn chia sẻ thành tựu bước tiễn đã đạt được trong thực hiện các mục tiêu SDGs, đặc biệt sau 5 năm Việt Nam thực hiện rà soát quốc gia tự nguyện lần thứ nhất, đồng thời chia sẻ khó khăn, thách thức, bài học kinh nghiệm trong thực hiện SDGs và đưa ra những định hướng, các hoạt động trọng tâm trong nửa chặng đường còn lại.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc mong muốn, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức trong nước và quốc tế cùng đồng hành, tham gia đóng góp xây dựng rà soát quốc gia tự nguyện để có thể thực hiên đầy đủ nhất tiếng nói cũng như vai trò của các bên liên quan, nhằm hướng tới một mục tiêu chung là thúc đẩy và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững SDGs.
Phát biểu tại hội thảo, ông Dennis Quennet – Giám đốc Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh thuộc Cơ quan hợp tác phát triển Đức đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời khẳng định, sẽ cùng đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng VNR 2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Sau gần 7 năm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững SDGs, Việt Nam tiếp tục khẳng định là một quốc gia luôn tiên phong trong thực hiện các cam kết quốc tế. Việt Nam đã ban hành và tổ chức triển khai nhiều văn bản như: Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030; Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Phát triển bền vững; Lộ trình thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 và Hệ thống chỉ tiêu thống kê Phát triển bền vững Việt Nam |