Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050" và Đề án "Trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" cùng với Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn là những văn bản quan trọng tạo hành lang pháp lý, chính sách quan trọng cho lĩnh vực lâm nghiệp trong giai đoạn tới.
Theo báo cáo khái toán của Bộ NN&PTNT, để thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp trong 10 năm tới với hàng chục dự án thì sẽ cần nguồn vốn đầu tư là 522.515 tỉ đồng. Cụ thể, ngân sách Nhà nước chi khoảng 149.891 tỉ đồng; vốn ODA là 31.471 tỉ đồng; vốn chi từ dịch vụ môi trường rừng là 38.500 tỉ đồng; vốn tín dụng là 34.066 tỉ đồng; vốn FDI là 14.644 tỉ đồng. Đặc biệt, nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân đầu tư chiếm số lượng lớn nhất, với 253.923 tỉ đồng.
Trong chiến lược này, Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì cùng với các địa phương thực hiện Đề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, 690 triệu cây phân tán và 310 cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng sản xuất.
Chiến lược phát triển lâm nghiệp được xây dựng để nâng cao chất lượng rừng, góp phần giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; đổi mới mô hình tăng trưởng từ dựa vào mở rộng diện tích, khối lượng sang tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng rừng hiện có, gia tăng giá trị ngành lâm nghiệp. Cũng theo mục tiêu đặt ra trong chiến lược này, đến năm 2025, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt từ 10 - 20 tỉ USD và đạt từ 23 - 25 tỉ USD trong năm 2030. Ngành lâm nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân từ 5 - 5,5%/năm.
Tại Hội nghị triển khai Nghị định 27/2021/NĐ-CP về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, Quyết định 523/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025" diễn ra chiều ngày 23/4, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, Nghị định 27 quy định những nội dung rất toàn diện về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, từ bảo tồn nguồn gen, nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm giống, tên giống, quản lý chất lượng giống và có thể nói, đây là một văn bản pháp luật về chuỗi quản lý giống phục vụ cho chương trình bảo tồn nguồn gen trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đồng thời, phục vụ thiết thực cho chủ trương mới, chính là tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Về Đề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, đây là nhu cầu chung của xã hội, đồng thời, khẳng định vai trò của rừng, về ý nghĩa của cây xanh trong số các giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, quan điểm nhất quán là phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, biến thành phong trào thi đua từ cơ sở với những tiêu chí rõ ràng. Việc thực hiện xã hội hóa nguồn lực bao gồm cả nhân lực, vật lực thu hút ý thức tự nguyện tham gia của người dân và cộng đồng để xây dựng một ngành lâm nghiệp có trách nhiệm chứ không phải chỉ theo đuổi mục đích về kinh tế, mà cân bằng, hài hoà giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Trước đó, tại buổi làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam diễn ra sáng ngày 23/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ đã vượt khó, đưa xuất khẩu gỗ luôn đạt tăng trưởng rất cao. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng gấp 5 lần trong 15 năm qua, từ 2,8 tỷ USD/năm giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 8 tỷ USD/năm giai đoạn 2011 - 2020 và năm 2020 đạt trên 13 tỷ USD. Qua đó, đã khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường đồ gỗ quốc tế.
Năng lực chế biến gỗ, lâm sản có sự tăng trưởng nhanh về quy mô, số lượng, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thu hút ngày càng nhiều đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân. Nếu như năm 2006 Việt Nam có khoảng 1.200 doanh nghiệp chế biến gỗ hoạt động, thì đến thời điểm hiện nay cả nước đã có gần 6.000 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong có khoảng 1.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 6,5 tỉ USD.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu phải xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam, đưa giá trị sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu đạt tăng cao hơn, từ 18 - 20 tỉ USD vào năm 2025 và 23 đến 25 tỉ USD vào năm 2030.