Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam |
Trước cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi tiếp xã giao ông Ousmane Dione vừa bắt đầu nhận nhiệm vụ tại Việt Nam từ ngày 12/12. Tại buổi tiếp, hai bên bày tỏ coi trọng là các đối tác, hợp tác đầu tư quan trọng của nhau. WB khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ cải cách thể chế kinh tế, hợp tác đầu tư các dự án phát triển kinh tế, xã hội tại Việt Nam.
Trong cuộc hội đàm, các chuyên gia kinh tế của WB chia sẻ với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ một số nghiên cứu về cải cách DNNN, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đang thảo luận về việc thành lập một cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia, cần để các DNNN chỉ tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, liên quan tới an ninh, quốc phòng. Đối với việc thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước cần phải cân bằng được trách nhiệm giải trình và tính độc lập của cơ quan này trong mối tương quan với các tập đoàn, tổng công ty, các cơ quan quản lý nhà nước.
Phát biểu tại cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, những khuyến nghị của WB đã được Chính phủ thảo luận và đặt ra trong việc hình thành cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng cổ đông đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Về mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu, Phó Thủ tướng đồng tình với khuyến nghị của WB rằng có nhiều cách để xây dựng mô hình, như chuyển mô hình đại diện chủ sở hữu phân tán hiện nay từ các bộ ngành thành mô hình tập trung với 1 cơ quan chuyên trách hoặc thành lập thêm một số Tổng công ty kinh doanh vốn SCIC. Hay thành lập một cơ quan đại diện nhưng quản lý các SCIC phụ trách các khu vực kinh tế lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, mỗi mô hình đều có thuận lợi và hạn chế riêng và đề nghị WB hỗ trợ tư vấn cho Chính phủ Việt Nam. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề đề nghị WB chia sẻ các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN khi Việt Nam đang vướng mắc ở các khâu xác định giá trị doanh nghiệp, lựa chọn tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và quy trình công bố thông tin doanh nghiệp cổ phần hóa trên thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, các vấn đề, tiêu chuẩn quản trị của DNNN theo tiêu chuẩn quốc tế, của các nước OECD được thực hiện ra sao? Vai trò của ban điều hành, ban kiểm soát, cơ chế tiền lương và tiền thưởng, làm thế nào để biến một cổ đông nhà nước gần như trở thành như một cổ đông tư nhân tức là có trách nhiệm bảo lưu và phát triển tài sản?
Các chuyên gia kinh tế cao cấp của WB đều chia sẻ những vướng mắc từ quá trình cổ phần hóa DNNN của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh về chiến lược thì với DNNN có quy mô vừa và nhỏ thì cổ phần hóa hoàn toàn giúp tư nhân tham gia điều hành. Đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thì có thể cổ phần hóa một phần, giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu: Giảm thiểu khó khăn của Chính phủ trong áp dụng quy định về quản trị doanh nghiệp tốt, việc bán cổ phần các tập đoàn, tổng công ty giúp Chính phủ có thêm lợi nhuận và khi doanh nghiệp này niêm yết trên thị trường chứng khoán thì Chính phủ có thêm công cụ giám sát hoạt động của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.
Giám đốc WB tại Việt Nam và các chuyên gia kinh tế của WB cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, thảo luận với các Bộ, ngành Việt Nam về các vấn đề này và sẽ có các khuyến nghị cụ thể gửi tới Chính phủ Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ cảm ơn sự hợp tác của WB đối với Việt Nam và coi những khuyến nghị của WB sẽ giúp Chính phủ Việt Nam có căn cứ để đưa ra quyết sách cải cách DNNN đúng đắn.